Hải Dương: Phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại mới
Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử, TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đã khẳng định được vị thế trong quá trình phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại của cả nước.
Với chủ đề "Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá", TP. Hải Dương đã thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với những kết quả tích cực khi TP luôn được Chính phủ cùng UBND tỉnh Hải Dương quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách quản lý và nguồn ngân sách từ Trung ương cho đầu tư phát triển hạ tầng liên vùng và các dự án trọng điểm tại TP. Hải Dương.
TP. Hải Dương (trước đây là Thành Đông, thị xã Hải Dương) có bề dày lịch sử hơn 200 năm. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, với sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân thành phố và cả tỉnh Hải Dương, TP. Hải Dương đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, xứng tầm là đô thị loại I, là thủ phủ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hải Dương,
Về kinh tế, thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng trung bình 3 năm gần đây đạt trên 13,6%; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,95%; giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động/năm với thu nhập bình quân 8,5 triệu/người/tháng. Các mặt công tác giáo dục - đào tạo, y tế; khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội... đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó đặc biệt chú trọng việc tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cởi mở và thân thiện, an toàn, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của nhà đầu tư là mục tiêu cốt lõi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua việc phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân TP. Hải Dương đã được nâng lên. Cụ thể, sau khi TP được nâng lên Đô thị loại 1, mức lương tối thiểu vùng đối với công nhân, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức đã được nâng từ vùng II lên vùng I. Đối với người lao động khác, do thành phố đã được đầu tư phát triển hơn nên đã tạo nhiều cơ hội việc làm và tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, các yêu cầu về xây dựng các công trình hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao…), hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, chiếu sáng, cấp thoát nước, chất thải rắn…), các khu dân cư... đã được đầu tư bài bản, từ đó nâng cao chất lượng đô thị và người dân được sống trong môi trường hiện đại hơn.
Nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, TP. Hải Dương hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị năng động và hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch và dịch vụ. Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh Hải Dương cũng như các tỉnh lân cận.
Đảng bộ, chính quyền TP. Hải Dương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất...
Những năm gần đây, TP. Hải Dương liên tục gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên trở thành điểm sáng của vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thành phố Hải Dương hiện có 8 khu đô thị và hàng chục khu dân cư mới. Diện tích đất cây xanh toàn đô thị đạt 5,58 m2/người; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị đạt 52,07%. Thành phố có 12 khu vực không gian công cộng; 16 công trình kiến trúc tiêu biểu cấp Quốc gia. Tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 96,47%; tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng đạt 96,85%; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,82%.
Sự thay đổi diện mạo của thành phố Hải Dương
Kể từ khi TP. Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định "Quy hoạch phát triển TP. Hải Dương thành TP công nghiệp hiện đại" tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ qua Quyết định số 442/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch TP. Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hải Dương đã được thiết kế và quy hoạch để phát huy tối đa các tiềm năng riêng có, thế mạnh khác biệt và nổi trội để phát triển TP. Hải Dương thành TP công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế lớn, hướng tới trực thuộc Trung ương.
Chính vì thế, TP. Hải Dương đã được cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất... để có thể hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu và cung cấp dịch vụ kho vận giúp nâng cao năng suất lao động và đẩy mạnh tăng trưởng.
Khu công nghiệp trong thành phố Hải Dương
Trong 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do TP quản lý đạt 967 tỷ đồng, chiếm 36,2% kế hoạch năm, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP đã đạt 1.663 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Kiểm toán Nhà nước, tính đến năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản TP. Hải Dương đã đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 0,9% kế hoạch năm, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất công nghiệp - xây dựng khởi sắc từ đầu năm và giữ đà tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, các hoạt động dịch vụ phục hồi nhanh, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Công tác tài chính - ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu. Thu ngân sách nhà nước đạt khá với 1.314 tỷ đồng, vượt 30% dự toán năm khi TP. Hải Dương có khoảng 5000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó có 76 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản theo mục tiêu đề ra. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần đây đạt 13,60%. Tỷ lệ các hộ nghèo chiếm 1,95%.
Đây chính là kết quả của việc phất triển bền vững, đúng hướng, tạo cơ sở vững chắc giúp cho thành phố của tỉnh Hải Dương tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 đề ra.
Với vai trò "đầu tàu" kinh tế vùng đất xứ Đông, Hải Dương đã tập trung nhiều nguồn lực để khai thác hết tiềm năng của mình để giúp cho TP trở thành đô thị công thương.
Với nhiều nỗ lực, nửa đầu năm 2023, UBND TP. Hải Dương đã đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 trên 9% với nhiều nhóm giải pháp trọng tâm khi đề ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch TP, nhất là trong quý I/2023, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là những chồng chéo trong pháp luật về đầu tư, pháp luật đất đai, làm cơ sở khai thông nút thắt trong thu hút đầu tư.
UBND TP. Hải Dương luôn quyết tâm, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế phát triển, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư chiến lược.
UBND TP. Hải Dương luôn kiên trì các hoạt động tư vấn và xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư. Linh hoạt, chủ động trong đối thoại, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, uy tín cao, các dự án có chất lượng đầu tư vào TP. Kiên quyết xử lý những cá nhân sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương và làm tốt công tác quản lý nhà nước sau cấp phép đầu tư.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp TP (PCI), duy trì PCI năm 2023 của TP ở mức cao trong cả nước, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, dự án quan trọng có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội là việc thiết thực nhất qua việc thực hiện chương trình "Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Năng động, sáng tạo và vươn mình đón vận hội mới, trong thời gian tới, lãnh đạo TP. Hải Dương tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề phát triển năng động hơn; mở rộng không gian đô thị; xây dựng và phát triển bền vững với 5 mục tiêu: Đô thị công thương; đô thị sống khỏe; đô thị sáng tạo; đô thị đẹp thân thiện với con người; đô thị an toàn.
TP. Hải Dương tiếp tục công cuộc trở thành TP công nghiệp hiện đại, hoàn hảo, là điểm hẹn, điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước.
Hoàng VânCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.