Hải Dương: ‘Quả ngọt’ sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới

Địa phương
06:27 PM 15/03/2023

Chặng đường xây dựng Nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Hải Dương trong 10 năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Hải Dương là tỉnh thứ năm trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Chiều 15/3, tỉnh Hải Dương tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Tại buổi lễ này, Hải Dương cũng tổ chức triển lãm thành tựu nổi bật trong xây dựng NTM và trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu.

Hải Dương: ‘Quả ngọt’ sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 1.

Hải Dương là tỉnh thứ năm trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới(Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hải Dương)

Sau 10 năm thực hiện, đến hết năm 2021, toàn tỉnh Hải Dương đã huy động gần 58.400 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong số đó, nhân dân đóng góp lên đến hơn 5400 tỷ đồng và tự nguyện đóng góp hàng triệu ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường và các công trình phúc lợi. Nhờ đó, hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được xây dựng, nhưng không phải đền bù khi giải phóng mặt bằng.

Sản xuất nông nghiệp của Hải Dương đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ đã được chú trọng phát triển; tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất.

Môi trường nông thôn được cải thiện dần. Kinh tế nông thôn cũng có nhiều đổi mới khi đồng ruộng được quy hoạch với hơn 54.000ha đã dồn điền, đổi thửa. Toàn tỉnh có trên 15.500 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, trên 5.000 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu; có 1.500 ha rau, trái cây được cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới... Giá trị sản xuất tại những vùng sản xuất tập trung đạt khoảng 250 triệu đồng/ha, có những vùng đạt trên 500 triệu đồng/ha. Năm 2022, thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng 3,77 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,69% (năm 2010 là 12,2%).

Bên cạnh đó, toàn tỉnh Hải Dương đã nâng cấp, cải tạo 5.500 km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy giao thương. Tất cả các cấp trường của 178 xã trong tỉnh đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí NTM, 100% số đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, y tế dự phòng được chú trọng.

Bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được thể hiện rõ, phát triển các thiết chế hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn, đáp ứng một cách căn bản cho đời sống hiện nay và làm nền tảng phát triển trong thời gian tới.

Kết quả đạt được, tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2020; 12/12 huyện, thành phố, thị xã đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 (đạt 100%); 178 xã đạt chuẩn NTM, 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đáng chú ý, chương trình đã làm thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, an ninh chính trị được giữ vững nhiều vùng quê nông thôn trở thành nơi đáng sống. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.

Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, thu nhập bình quân từ hoạt động phi nông nghiệp ngày càng tăng. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, hình thành được nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, dần đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Liên kết chuỗi ngày càng phát triển. HTX ngày càng phát huy vai trò liên kết hộ nông dân với nhau và kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Chương trình OCOP ngày phát triển nhanh chóng góp phần việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Nông nghiệp ngày càng trở thành khu vực hấp dẫn thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư...

Kế thừa những thành tựu trong 10 năm xây dựng NTM, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập đầu người đạt thấp nhất từ 76-80 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm sau khi rà soát 100% số xã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới xây dựng NTM thông minh.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn