Hải Dương sẽ dành gần 1.700 tỉ đồng xây dựng 3 cầu và đường dẫn cầu
Tại kỳ họp 15 HĐND tỉnh Hải Dương diễn ra mới đây đã thông qua các nghị quyết về xây dựng cầu Tân An và đường dẫn nối quốc lộ 18 ở Hải Dương; cầu vượt sông Kinh Môn; đường dẫn cầu Cậy mới ở Cẩm Giàng. Tổng số vốn đầu tư của các dự án này lên tới gần 1.700 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.
Cầu Tân An 600 tỉ đồng nối với QL18
Cụ thể, dự án cầu Tân An và đường dẫn nối QL18 (TP.Chí Linh, Hải Dương), tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án này là 600 tỉ đồng.
UBND tỉnh Hải Dương cho biết mục tiêu đầu tư để kết nối với dự án xây dựng tuyến mới nối nút giao đường tỉnh 390 đến quốc lộ 18, đoạn qua địa phận huyện Nam Sách nhằm từng bước hoàn thành trục giao thông kết nối liên vùng, nối quốc lộ 5 với quốc lộ 18 từ TP Hải Dương qua cầu Hàn, qua địa bàn huyện Nam Sách đến TP Chí Linh. Giảm tải cho hệ thống giao thông hiện tại, đặc biệt với tuyến quốc lộ 37. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực theo quy hoạch.
Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách tỉnh Hải Dương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tạm tính chiếm hơn 90,1 tỷ đồng, chi phí xây dựng chiếm gần 431,5 tỷ đồng và các chi phí khác. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2023-2025.
Điểm đầu thực hiện dự án giao với quốc lộ 18 (tương đương khoảng km 33+365) thuộc địa phận phường Chí Minh (TP Chí Linh); điểm cuối khoảng km 3+485,47 thuộc địa phận xã Nam Tân (Nam Sách). Chiều dài tuyến khoảng gần 3,5 km.
Dự án này là dự án nhóm B do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư.
Cầu vượt sông Kinh Môn 600 tỉ đồng kết nối với QL5
Đây là dự án nhóm B do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư.
UBND tỉnh Hải Dương cho biết hiện nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường dẫn cầu vượt sông Kinh Môn đến đường tỉnh 389B (thị xã Kinh Môn) do UBND thị xã Kinh Môn đầu tư đang chuẩn bị đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với quốc lộ 5 là rất cần thiết để kết nối đồng bộ 2 công trình và tạo thành trục giao thông kết nối thị xã Kinh Môn với huyện Kim Thành và tỉnh Hải Dương với tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, góp phần giảm tải các tuyến đường có mật độ giao thông lớn (đặc biệt đối với quốc lộ 17B).
Phạm vi đầu tư từ điểm đầu kết nối nút giao lập thể với quốc lộ 5 đến điểm cuối kết nối đường nối cầu vượt sông Kinh Môn với đường tỉnh 389B do UBND thị xã Kinh Môn đầu tư. Tổng chiều dài tuyến khoảng 1,55 km thuộc địa phận xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn (Hải Dương).
Về nội dung và quy mô đầu tư, UBND tỉnh đề nghị xây dựng một đơn nguyên cầu vượt sông Kinh Môn (bên trái) với bề rộng 12 m. Phần đường dẫn thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với chiều rộng nền đường 12 m. Tốc độ thiết kế 80 km/h, kết cấu mặt đường cấp cao A1, bê tông nhựa. Các hạng mục được xây dựng đồng bộ là nút giao (đường giao), thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống báo hiệu và tổ chức an toàn giao thông, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật liên quan.
UBND tỉnh dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 600 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Địa điểm thực hiện dự án này ở thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành (Hải Dương) trong giai đoạn 2023-2025.
Gần 470 tỉ đầu tư đường dẫn cầu Cậy mới
Đối với dự án đường dẫn cầu Cậy mới ở Cẩm Giàng và đường 33 m kéo dài (qua địa phận H.Cẩm Giàng) nối đường Vũ Công Đán (TP.Hải Dương) được UBND tỉnh Hải Dương đề nghị đầu tư gần 469,5 tỉ đồng xây dựng từ nguồn ngân sách của tỉnh trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, việc đầu tư dự án là cần thiết để hoàn thành trục giao thông kết nối liên vùng nối đường Vũ Công Đán (TP.Hải Dương) đến TT.Kẻ Sặt (H.Bình Giang), kết nối với nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại đường tỉnh 392. Đồng thời kết nối với các tuyến đường trục chính đã xây dựng, giải quyết ùn tắc và mất an toàn giao thông khu vực cầu Cậy hiện nay.
Như vậy, với 3 dự án giao thông trọng điểm gồm xây dựng cầu và đường dẫn cầu tổng số vốn lên tới gần 1.700 tỉ đồng, tỉnh Hải Dương kỳ vọng khi thực hiện xong dự án sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa và phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương nói riêng và khu vực Duyên hải Bắc bộ nói chung.
Ngọc MỹCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.