Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,23%

Địa phương
10:59 AM 06/07/2023

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương trong 6 tháng đầu năm đạt 7,23%, đứng thứ 15 cả nước và thứ 7 trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Thông tin từ phía Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, với mức tăng trưởng kinh tế trên trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,79%; công nghiệp tăng 9,19%; Xây dựng tăng 5,88%; dịch vụ tăng 6,09%; thuế sản phẩm tăng 8,37%.

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,23% - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương trong 6 tháng đầu năm đạt 7,23%. Ảnh: Internet

Sản xuất nông nghiệp thuận lợi trong các tháng đầu năm song thời tiết không thuận ở một số thời điểm nên năng suất, sản lượng một số loại cây trồng giảm. Cụ thể, năng xuất lúa đông xuân đạt 66,6 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha; sản lượng vải ước đạt 58.000 tấn, giảm gần 2.600 tấn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số loại cây ăn quả tăng khá như xoài ước 18.500 tấn, tăng 1.500 tấn; chuối ước 34.300 tấn, tăng hơn 1.600 tấn; ổi ước đạt 36.800 tấn, tăng gần 500 tấn…

Chăn nuôi gia cầm, gia súc ổn định với tổng đàn ước đạt 16 triệu con, tăng 3,8%, đàn lợn ước gần 420.000 con. Hoạt động thủy sản phát triển khá với sản lượng ước hơn 51.000 tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 9% so với cùng kỳ. Các ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất xe có động cơ, sản xuất và phân phối điện có mức tăng cao, đóng góp lớn vào chỉ số chung toàn ngành. Mặc dù vậy, một số ngành là may mặc, da giầy, sản xuất than cốc, kim loại, thiết bị điện… vẫn giữ mức tăng trưởng âm.

Hoạt động thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng chậm lại do tình hình kinh tế khó khăn, tác động đến sức mua nhưng vẫn đạt mức tăng khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 45.100 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt hơn 4,4 tỷ USD, giảm 14,2%; nhập khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước...

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trong nước đạt 3.418 tỷ đồng, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước, cấp mới 06 dự án (ngoài KCN), tổng vốn đăng ký 535 tỷ đồng (tăng 2,2 lần). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 215,3 triệu USD (giảm 8,1%) so với cùng kỳ năm trước; trong đó cấp mới 32 dự án, tổng vốn đăng ký 160 triệu USD, tăng 6,3 lần. Mặc dù thu hút FDI không tăng so với năm trước nhưng lại có nhiều dự án FDI cấp mới (tăng 4,5 lần về số lượng dự án và gấp 6 lần về số vốn đăng ký) so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các dự án FDI mới chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hồng Kông 11 (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức… Mặc dù thu hút FDI không tăng so với năm trước nhưng lại có nhiều dự án FDI cấp mới (tăng 4,5 lần về số lượng dự án và gấp 6 lần về số vốn đăng ký) so với cùng kỳ năm trước.

Về phát triển doanh nghiệp, có 952 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước), với tổng vốn điều lệ đăng ký 8.205 tỷ đồng (tăng 136%); 436 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (giảm 20,4%); 755 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (giảm 24,0%).

Tổng thu ngân sách ước đạt 9.136 tỷ đồng, bằng 96,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa đạt 7.476 tỷ đồng, bằng 91,2%. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 7.447 tỷ đồng, bằng 99,0% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên đạt 5.082 tỷ đồng, giảm 1,9%; chi đầu tư phát triển 2.356 tỷ đồng, tăng 0,8%.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.