Hải Dương thực hiện theo Chỉ thị 19 từ ngày 18/3

Xã hội
03:13 PM 16/03/2021

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa có kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Theo đó, từ ngày 18/3, toàn tỉnh sẽ thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến hết ngày 31/3. Một số xã, khu dân cư, điểm dân cư đang thực hiện quyết định phong toả thì tiếp tục thực hiện cho tới khi có quyết định kết thúc phong toả.

Hải Dương thực hiện theo Chỉ thị 19 từ ngày 18/3 - Ảnh 1.

Hải Dương thực hiện theo Chỉ thị 19 từ ngày 18/3

Để giữ vững ổn định, các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động đội phản ứng nhanh phòng chống COVID-19. Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ COVID-19 cộng đồng, tổ an toàn COVID-19 trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K; cài đặt ứng dụng Bluezone.

BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 các cấp tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch trong các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp… xử phạt nghiêm các trường hợp không chấp hành theo quy định.

Đối với các trường hợp F0 đã chữa khỏi và F1 đã hết cách thời gian cách ly tập trung cần tiếp tục quản lý chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối về dịch bệnh.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sớm hoàn thiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch trong và ngoài doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện các phương án, kịch bản ứng phó và tổ chức diễn tập thử để tránh bị động, bất ngờ khi xuất hiện ca mắc mới SARS-CoV-2. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón học sinh trở lại trường

Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cũng đã trình với UBND tỉnh phương án tổ chức dạy và học sau ngày 17/3. Cụ thể, Sở đề nghị tiếp tục cho trẻ mầm non tạm dừng đến trường đến hết tháng 3. Các địa phương 14 ngày qua không có ca lây nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, gồm các huyện Bình Giang, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ (trừ xã Đại Hợp), Nam Sách (trừ xã Nam Tân) học sinh từ tiểu học trở lên được phép đến trường từ ngày 18/3. TP. Chí Linh và Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Cẩm Giàng và Kim Thành chỉ có học sinh các lớp 9, 12 được đến trường học tập, các khối lớp còn lại vẫn học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Các nhà trường tạm dừng hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, chưa tổ chức ăn bán trú. Ngày 14/3, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn gửi phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và một số trường yêu cầu chuẩn bị thật tốt các điều kiện trước khi đón học sinh trở lại trường; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian học sinh học ở trường.

Các cơ sở giáo dục cần điều chỉnh kế hoạch dạy học các môn cho phù hợp, có đánh giá kết quả dạy học trực tuyến, bổ sung những kiến thức học sinh chưa lĩnh hội đầy đủ khi học trực tuyến. Các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cần tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh khối 12; các trường THCS, liên cấp tiểu học-THCS ưu tiên dạy 2 buổi/lớp cho khối 9 để hoàn thành chương trình đúng kế hoạch năm học.

Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh, việc cho học sinh đi học trở lại vẫn do các trường căn cứ tình hình thực tế để quyết định. Nếu thấy chưa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch thì có thể đề xuất để tiếp tục học trực tuyến. Các nhà trường cần yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, thành lập các tổ an toàn chống COVID-19.   

Tính đến ngày 15/3, tỉnh Hải Dương còn 15 trường học đang là điểm cách ly tập trung cho các trường hợp F1.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là

Theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng, cần kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; phương châm "4 tại chỗ", tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Được nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác theo quyết định hoặc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn…) trừ các cơ sở nêu trên đây, khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải như: hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn để rửa tay cho hành khách.

Riêng đối với vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, áp dụng các biện pháp phù hợp đặc thù ngành hàng không, bảo đảm an toàn cho hành khách, ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.

Chỉ thị 19 yêu cầu tạm ngừng các hoạt động, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng và không mở cửa cơ sở dịch vụ chưa cần thiết như khu vui chơi giải trí, làm đẹp, quán karaoke, massage, bar, vũ trường.

Hoạt động vận chuyển hành khách và các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, khu tập luyện thể thao, khu di tích được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.

PV (theo baochinhphu.vn)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tổ chức đợt cao điểm An toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cho công nhân, lao động năm 2024 Hà Nội: Tổ chức đợt cao điểm An toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cho công nhân, lao động năm 2024

Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.