Hai kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới
Sáng 13/4, tại buổi thông tin về tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra hai kịch bản về đại dịch COVID-19 có thể xảy ra.
Kịch bản đầu tiên biến chủng Omicron sẽ dần giảm độc lực, kết hợp miễn dịch từ tiêm vắc xin và người mắc bệnh, số ca tử vong và bệnh nặng sẽ giảm. Nếu tình huống này xảy ra, Việt Nam sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hoạt động xã hội dần trở về bình thường, qua đó đưa COVID-19 trở thành bệnh lưu hành. Tuy nhiên, ông lưu ý mỗi cá nhân trong xã hội đều cần nắm vững các nguy cơ của mình và thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch.
"Lúc này, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chúng ta cần chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, mắc bệnh nền”, vị lãnh đạo nói.
Với kịch bản thứ 2, Giáo sư Lân cho rằng sự hiểu biết của chúng ta với SARS-CoV-2 đến nay vẫn chưa được toàn diện. Trong bối cảnh giao lưu đi lại nhiều, việc liên tục xuất hiện các biến chủng mới vẫn có khả năng xảy ra.
"Các biến chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến chủng đã xuất hiện hoặc biến chủng khác mới hơn. Biến chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm hiệu lực bảo vệ của vắc xin, gây lây lan nhanh hơn và tăng nguy cơ diễn biến nặng", ông nói. Với kịch bản này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như từng làm.
“Dù thời điểm này, chúng ta đã có các vũ khí như vắc xin, thuốc điều trị, kinh nghiệm và những biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn phải thường xuyên cập nhật, kể cả về thuốc điều trị hay công nghệ vắc xin”, Giáo sư Lân cho hay.
Từ đây, ông kết luận Việt Nam sẽ song song xây dựng hai kịch bản: Khi COVID-19 trở thành bệnh lưu hành và sẵn sàng các biện pháp dự phòng, tránh bị động khi xuất hiện các tình huống, biến chủng mới sẽ kích hoạt động thái ứng phó.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết ngày 12/4, Việt Nam đã ghi nhận 10.272.964 bệnh nhân COVID-19, xếp thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.882 ca nhiễm). Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4), cả nước có thêm 10.265.217 ca do lây nhiễm trong nước.
Tổng số F0 đã chữa khỏi hiện là 8.757.107 trường hợp, còn 1.515.857 F0 đang điều trị. Nước ta đã có 42.858 người mắc COVID-19 tử vong, chiếm tỷ lệ 0,4% trên số ca nhiễm. Tổng ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Về công tác tiêm chủng, cả nước đã thực hiện tiêm tổng cộng 208.596.156 liều vắc xin, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.366.877 liều: mũi 1 là 71.383.300 liều; mũi 2 là 68.491.388 liều; mũi 3 là 1.505.536 liều; mũi bổ sung là 15.012.049 liều; mũi nhắc lại là 34.974.604 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.229.279 liều: mũi 1 là 8.823.693 liều; mũi 2 là 8.405.586 liều.
Theo Bộ Y tế, hệ thống y tế đã trụ vững trong đợt cao điểm của dịch với khả năng đáp ứng tối đa 200.000 giường điều trị (thời điểm số ca nhập viện điều trị cao nhất khoảng 150.000 trường hợp ngày 15/3 và hiện còn khoảng 65.000 trường hợp đang điều trị).
Với các nguồn vắc xin viện trợ và mua, việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.
HM (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.