Hai kịch bản xuất khẩu ngành gỗ những tháng cuối năm 2021
Dịch bệnh COVID-19 tác động mạnh đến tất cả các ngành hàng, đặc biệt tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ngành gỗ. Trong các tháng cuối năm 2021, có 2 kịch bản có thể xảy ra đối với khâu xuất khẩu của ngành gỗ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends vừa có "Báo cáo tác động của đại dịch COVID-19 tới ngành gỗ: Thực trạng 8 tháng đầu năm và kịch bản cho các tháng cuối năm". Báo cáo nêu rõ, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tác động tiêu cực tới tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành. Các hoạt động giãn cách làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất. Một số doanh nghiệp có các ca nhiễm dịch phải đóng cửa hoàn toàn.
Nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất ở mức 20-50% so với trước thời điểm giãn cách nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc cho người lao động.
Xuất khẩu gỗ theo đó cũng chịu tác động giảm mạnh. Số liệu từ tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong tháng 7 đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng 6 và giảm sâu tại nhiều thị trường chính như Mỹ (giảm 20,3%), Trung Quốc (giảm 23,4%), EU (giảm 19,7%)… Gần nhất, trong 15 ngày đầu tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này chỉ đạt 373,8 triệu, tương đương 45,5% so với nửa đầu tháng 7.
Dựa trên các con số báo cáo và phân tích thị trường, nhóm nghiên cứu đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm.
Kịch bản thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu quý III tiếp tục đà giảm nhưng hồi phục vào quý IV.
Nhóm nghiên cứu giả định rằng kim ngạch quý III tiếp tục giảm như hiện nay và kéo dài cho đến hết quý III, dịch bệnh sau đó được kiểm soát với sự phổ cập của vắc xin trong toàn quốc.
Với giả định trên, kim ngạch trong quý IV sẽ bắt đầu hồi phục, nhưng mức sẽ không thể tương đương với quý I và quý II mà chỉ đạt khoảng 70% so với kim ngạch trung bình của hai quý đầu năm. Tổng kim ngạch của ngành năm nay sẽ đạt 13,5 tỷ USD.
Kịch bản thứ hai, kim ngạch trong các tháng cuối năm tiếp tục đà giảm như hiện nay do dịch không được kiểm soát hiệu quả
Kịch bản này dựa trên giả định rằng từ nay tới hết năm dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả. Đà suy giảm về sẽ tiếp tục kéo dài cho tới hết quý IV và kim ngạch xuất khẩu của quý IV chỉ tương đương 70% của quý III.
Nói cách khác, giả định này cho rằng suy giảm kim ngạch xuất khẩu như hiện nay vẫn chưa chạm đáy mà sẽ còn tiếp tục giảm sâu ở các tháng cuối năm. Nếu giả định này xảy ra, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm sẽ đạt con số khoảng 12,7 tỷ USD.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, các kịch bản tốt (kịch bản 1) và xấu (kịch bản 2) đều có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp ngành gỗ và điều này phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp chống dịch của Chính phủ và toàn thể xã hội.
Vì vậy, các hiệp hội khuyến cáo điều quan trọng hiện nay đối với các doanh nghiệp trong ngành là áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ nhằm cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ chân khách hàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tránh đứt gãy hoàn toàn các đơn hàng, gây rủi ro về thị trường đầu ra sản phẩm trong tương lai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng cho việc quay trở lại sản xuất kinh doanh với cường độ và hiệu quả cao khi bệnh dịch được kiểm soát.
Huyền My (T/h)Tối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.