Hai lĩnh vực tiềm năng của ngành bán dẫn Việt Nam
Có nhiều xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng có hai lĩnh vực tiềm năng nhất: Thiết bị bán dẫn cho xử lý AI và bộ xử lý đồ họa với tốc độ, bộ nhớ dung lượng cao.
Ngày nay, tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều được vận hành dựa trên những con chip nhỏ - từ điện toán, viễn thông, ngân hàng, bảo mật, chăm sóc sức khỏe, thiết bị gia dụng đến vận tải (đặc biệt là xe điện), sản xuất, giải trí...
Các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), viễn thông 5G, siêu máy tính và xe tự lái… đều dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn.
Là "huyết mạch" của nền kinh tế số, ngành bán dẫn có vai trò chủ chốt, quan trọng và là tiêu điểm, thu hút nhiều ngành công nghiệp trên thế giới. Theo dự báo, ngành này có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030 (Gartner). Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia.
Tại hội thảo "Hệ thống bán dẫn tiên tiến cho thế giới bền vững", Giáo sư Park Inkyu, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) cho biết, có nhiều xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng có hai lĩnh vực tiềm năng nhất.
Một là thiết bị bán dẫn cho xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) đang tăng nhanh chóng, đòi hỏi cần có những thiết bị bán dẫn chuyên dụng để xử lý các thuật toán AI.
Hai là bộ xử lý đồ họa với tốc độ và bộ nhớ dung lượng cao. Hiện việc xử lý dữ liệu lớn (big data) và học máy (machine learning) ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính, sản xuất... đòi hỏi cần có các bộ xử lý đồ họa có hiệu suất tính toán cao hơn và bộ nhớ dung lượng lớn để lưu trữ và truy cập dữ liệu nhanh chóng.
"Đây là những lĩnh vực Việt Nam nên tập trung nghiên cứu và đầu tư để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai", ông Park Inkyu nói.
Song để xây dựng và phát triển nền công nghiệp mới này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Ông cho rằng: Việt Nam tập trung vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, cần "thành lập một cơ quan như Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Quốc gia tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn". Phòng thí nghiệm này sẽ đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Dự đoán nhu cầu nguồn nhân lực bán dẫn, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần khoảng 15.000 kỹ sư cho khâu thiết kế và 35.000 nhân lực ở công đoạn sản xuất và đóng gói kiểm tra. Để có đội ngũ nhân lực kinh nghiệm, cần xây dựng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học, phòng thí nghiệm và phát triển hợp tác quốc tế, doanh nghiệp về bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng ví những con chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung như những "hạt gạo" bởi nó nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ, là chìa khoá cho các công nghệ số trong tương lai. Do đó, Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định “công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.
An Mai (t/h)Với 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.