Hải Phòng chủ động ứng phó bão số 3- WIPHA
Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn và bão số 3, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và hệ thống công trình hạ tầng.
Theo dự báo, bão Wipha đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025. Vào 7 giờ ngày 19.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông. Dự báo 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20-25 km/h, đi vào biển Đông và mạnh thêm.
Đến 1h ngày 20.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 600 km về phía Đông, sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Đến 16h ngày 21/7, bão sẽ ở trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Khoảng 16h ngày 22/7, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, mạnh cấp 8, giật cấp 10 rồi suy yếu dần.

Siêu bão Yagi năm 2024 đã làm gãy đổ hàng chục nghìn cây xanh trên các đường phố tại TP Hải Phòng. (Ảnh: Nam Phong)
UBND thành phố Hải Phòng, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống bão. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch hiệp đồng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân, các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh bão.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong ngày 16/7 đã có văn bản chỉ đạo về việc đảm bảo an toàn công trình đê điều trong mùa mưa lũ năm 2025. Theo đó, Sở yêu cầu các địa phương và các Ban Quản lý dự án (Chủ đầu tư) tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; chủ động xử lý kịp thời, ngay từ giờ đầu khi phát sinh sự cố. Đồng thời, yêu cầu các Chủ đầu tư các công trình đê điều đang thi công trên địa bàn thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình trong mọi tình huống.
Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai – Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng (Chi cục Quản lý tài nguyên nước và Phòng chống thiên tai) đã tổ chức trực ban 24/24 giờ để kịp thời theo dõi, cập nhật diễn biến mưa lũ và cơn Bão số 3, đồng thời tổng hợp tình hình triển khai ứng phó của các địa phương, sở, ngành để báo cáo theo quy định. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra các tuyến đê, đặc biệt chú trọng các vị trí đê, kè, cống xung yếu nhằm chủ động phát hiện, xử lý sự cố, bảo đảm an toàn công trình trong mọi tình huống.
Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Hải Phòng thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo về bão WIPHA, gửi Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai (PCTT) – Ban Chỉ huy PCTT, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, cùng các xã, phường, đặc khu, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai phương án ứng phó.

Ông Trần Văn Quân- Phó Chủ tịch UBND Tp Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất. (Ảnh – CTTĐTTPHP)
Các địa phương đã tổ chức truyền phát thông tin cảnh báo về diễn biến của bão WIPHA trên hệ thống phát thanh, truyền thanh cơ sở, nhằm giúp người dân, các tổ chức và cộng đồng trên địa bàn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh; bảo vệ sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, cập nhật và triển khai phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo kịp thời ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ".
Ông Trần Văn Quân -Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất. Trước hết, yêu cầu xây dựng kịch bản cụ thể, chi tiết ứng phó với từng tình huống phát sinh do ảnh hưởng của bão, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Các đơn vị phải ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống bão, đảm bảo thống nhất, sát thực tiễn, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao làm đầu mối, tiếp thu ý kiến các Sở, ngành, địa phương, hoàn thiện nội dung tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố theo dõi sát diễn biến, hướng di chuyển của bão số 3, kịp thời tham mưu đề xuất thời điểm ban hành lệnh cấm biển; xây dựng phương án di dời người dân, lồng bè nuôi trồng thủy sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, chủ động phương án hỗ trợ nhu yếu phẩm, vật tư, trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác ứng phó và đảm bảo an sinh cho người dân.
Ngoài ra, Sở Công Thương chỉ đạo ngành điện lực xây dựng phương án đảm bảo nguồn điện phục vụ thông tin liên lạc, chỉ đạo điều hành của thành phố được thông suốt trong mọi tình huống. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ an toàn hệ thống cầu cảng, duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: công tác phòng, chống thiên tai cần được thực hiện chủ động, kịp thời, hiệu quả với phương châm "bốn tại chỗ"; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tài sản và duy trì hoạt động ổn định trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, tính đến 7h00 ngày 19.7, lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 1.657 phương tiện với 4.668 lao động, 157 lồng bè với 289 lao động; 3 chòi canh với 6 lao động đang hoạt động và neo đậu biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Được biết, đến chiều 19/7, Công ty Cổ phần Công viên, Cây xanh Hải Phòng này đã tiến hành cắt tỉa khoảng 700 cây xanh ở các tuyến phố ở TP Hải Phòng như: Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Vườn hoa Nguyễn Trãi,… Với số lượng cây xanh có nguy cơ gãy đổ còn lại, doanh nghiệp này cho biết sẽ tiến hành rà soát và có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Nam Phong
Giới chức trách Nghệ An kỳ vọng đầu tư công sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn.