Hải Phòng: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường ứng phó Bão số 3
Nhằm chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt và bảo đảm ổn định đời sống nhân dân do ảnh hưởng của Bão số 3 (bão Wipha), Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có chỉ đạo tại Văn bản 6363 /VP-XDCT yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Công an thành phố, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bình ổn thị trường.
Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu chủ động kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, LPG... không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá bất thường.
Đồng thời, đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nhóm mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các nhu yếu phẩm phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thời điểm trước, trong và sau bão.

UBND thành phố yêu cầu các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ chủ động dự trữ, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Ảnh: haiphong.gov.vn
Bên cạnh đó, thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn hệ thống điện. UBND thành phố giao Công ty Điện lực Hải Phòng - Chi nhánh Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc chủ trì triển khai các biện pháp rà soát, kiểm tra, bảo trì hệ thống lưới điện và các trạm biến áp. Đồng thời, cần kịp thời phát hiện, xử lý các điểm có nguy cơ rò rỉ, chập điện, nhất là tại các khu vực ngập sâu, khu vực có lưới điện hư hỏng, nhằm bảo vệ tuyệt đối tính mạng, tài sản nhân dân và đảm bảo vận hành hạ tầng đô thị an toàn.
Không những vậy, đơn vị điện lực cũng phải xây dựng phương án ứng phó cụ thể, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng và tăng cường ứng trực, sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh để duy trì việc cung cấp điện ổn định và liên tục cho người dân và doanh nghiệp trong suốt thời gian xảy ra thiên tai.
Cùng với công tác trên, các doanh nghiệp thoát nước cũng được yêu cầu nhanh chóng nạo vét kênh mương, hồ điều hòa để tăng cường khả năng tiêu thoát nước. Đồng thời, các đơn vị phụ trách cây xanh công cộng cần khẩn trương hoàn thành việc chằng chống, cắt tỉa cây xanh, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ cây đổ, gãy nhánh gây cản trở giao thông hoặc ảnh hưởng đến lưới điện.
Trong lĩnh vực giao thông, các đơn vị quản lý, bảo trì cầu đường, đường thủy nội địa đã tiến hành kiểm tra hiện trường, chủ động phân luồng giao thông, bố trí lực lượng hướng dẫn, sẵn sàng khắc phục sự cố. Các đơn vị vận hành bến phà, cầu phao, đò ngang đã được lệnh dừng hoạt động khi điều kiện thời tiết mất an toàn.
Chi cục Giám định xây dựng phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, đánh giá độ an toàn của các công trình cao tầng, công trình có cẩu tháp và công trình nhà nước đang thi công, đảm bảo an toàn cho công trình và cư dân xung quanh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo khẩn, yêu cầu tất cả các khu, điểm du lịch và đơn vị lữ hành không tổ chức các chương trình tham quan, vui chơi, giải trí trong điều kiện thời tiết bất lợi; tuyệt đối không bố trí khách lưu trú tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, nhất là khu vực biển, đảo và trên vịnh.
Đối với những du khách đang trong hành trình tham quan tại các địa bàn chịu ảnh hưởng của bão, các cơ sở du lịch cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng để kịp thời sơ tán, di dời khách đến nơi an toàn. Đồng thời, các cơ sở lưu trú cần có chính sách hỗ trợ khách bị ảnh hưởng do bão, như giảm giá dịch vụ, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu khi bị cô lập do mưa lũ. Đối với 67 tàu du lịch lưu trú tại vùng biển, thành phố đã chỉ đạo tổ chức di chuyển đến nơi neo đậu an toàn.
Ngành nông nghiệp, các công ty thủy lợi và các địa phương đã tiến hành tiêu nước đệm, vận hành hệ thống hồ chứa và tiêu thoát. 75 điểm đê điều xung yếu được kiểm tra kỹ lưỡng. Ngành nông nghiệp và các địa phương của thành phố Hải Phòng đang tích cực triển khai mọi biện pháp để bảo vệ hơn 56.000ha lúa, gần 29.000ha cây ăn quả, 12.000ha rau màu, 21.000ha thủy sản cùng đàn gia súc, gia cầm (640.000 con và 16 triệu con gia cầm)…
Từ các cấp chính quyền đến từng sở, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị thành phố Hải Phòng đang đồng loạt vào cuộc với tinh thần chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao nhất. Mỗi hành động, mỗi giải pháp được triển khai không chỉ nhằm ứng phó kịp thời với thiên tai, mà còn thể hiện sâu sắc tinh thần “vì dân” trong từng nhiệm vụ cụ thể.
Đó chính là minh chứng rõ nét cho sự gắn bó, tận tụy của chính quyền với nhân dân, góp phần giữ vững sự bình yên, ổn định và phát triển bền vững của thành phố trước những thử thách khắc nghiệt từ thiên nhiên.
Thanh Hải
Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương có liên quan nhằm rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II năm 2025.