Hải Phòng: Đẩy nhanh xây dựng và phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam
Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng tạo nên dư địa, không gian phát triển rộng lớn cho thành phố Hải Phòng, cần tập trung cao để triển khai.
Đó là kết luận của ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành uỷ Hải Phòng tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phát triển Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng vào chiều 16/04.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo phát triển Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng đã nghe báo cáo, cho ý kiến về: Tổng quan về Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng (mục tiêu, quy mô, phạm vi, tính chất theo Quyết định 1511/QĐ-TTg).
Theo đó, diện tích KKT khoảng 20.000 ha trên địa bàn 5 quận, huyện; 21 xã, phường. Trong đó có khoảng 4000 ha đất công nghiệp; 2000 ha đất đô thị; 3200 ha đất logistics; 2000 ha Cảng; 1500 ha đất sân bay cùng đất cây xanh, giao thông. Hiện BQLKKT đang phối hợp với các ngành thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế phía Nam Hải Phòng, phấn đấu trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2025.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành uỷ Hải Phòng chủ trì hội nghị. (Ảnh CTTĐT HP)
Các định hướng phát triển trọng tâm, ưu tiên: Mô hình Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sinh thái 3.0, công nghiệp công nghệ cao, cảng biển -logistics, đô thị thông minh, các cơ chế chính sách đột phá (bao gồm định hướng khu thương mại tự do). Đề xuất cơ chế hoạt động, phối hợp của Ban Chỉ đạo và vai trò tham mưu, giúp việc của Cơ quan Thường trực (Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng) và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan. Tổ hợp Dự án khu cảng miễn thuế, nhà máy điện khí LNG và khu công nghiệp tại Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ các công việc đã triển khai về quy hoạch, các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư; bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, môi trường... Đồng thời kiến nghị, đề xuất một số vấn đề nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu kinh tế.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng - Lê Tiến Châu, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ: Khu kinh tế phía Nam tạo nên dư địa, không gian phát triển rộng lớn cho thành phố Hải Phòng, cần tập trung cao để triển khai.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng chỉ rõ một số định hướng trong phát triển Khu kinh tế phía Nam. Theo đó, hạn chế phát triển CCN; xác định diện tích các KCN phù hợp; tập trung xây dựng các khu đô thị thông minh, phát huy lợi thế của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; các KCN, Khu Thương mại tự do nên bố trí nằm trọn trong một đơn vị hành chính…
Bên cạnh đó, về quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế phía Nam, giao Đảng ủy UBND thành phố chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành, báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ, trình HĐND thành phố; trình Bộ Xây dựng trong tháng 8 và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2025. Cùng với đó, thực hiện song song các thủ tục khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu kinh tế; thực hiện kế hoạch tổng thể của giai đoạn 2025-2030 như đã xác định.
Xác định mục tiêu, định hướng phát triển Khu kinh tế phía Nam là Khu kinh tế số, thông minh, sinh thái nhằm tạo ra sự khác biệt, nâng cao tính cạnh tranh.
Về tổ hợp Cảng, nhà máy điện khí, nhà máy đóng tàu, KCN, trung tâm logistics, đồng chí Bí thư Thành uỷ yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành làm việc cụ thể với nhà đầu tư, làm rõ về phạm vi ranh giới, quy mô, công nghệ, từng dự án thành phần, phân kỳ đầu tư... trình Ban Thường vụ Thành uỷ.
Đảng ủy UBND thành phố đánh giá rõ hiệu quả, sự đóng góp cho ngân sách, bảo đảm quốc phòng - an ninh... của dự án, hoàn thành trong tháng 4/2025 để có cơ sở xem xét, quyết định. Đồng thời phấn đấu khởi công một số dự án thuộc Khu kinh tế trong năm 2025.
Minh Phương
Với gần 200 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc trải rộng 9 nhóm lĩnh vực, Sao Khuê 2025 đã góp phần minh chứng cho sự bứt phá của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.