Hải Phòng đề xuất xây sân bay thứ 2: Liệu có xảy ra cơn sốt đất như Bình Phước?
Những năm gần đây, cơn 'sốt đất' ăn theo quy hoạch sân bay đã diễn ra tại nhiều địa phương để lại hậu quả nghiêm trọng. Mới đây, Hải Phòng đề xuất xây sân bay thứ 2 vùng Thủ đô ở Tiên Lãng khiến giới đầu tư lo ngại sẽ có một cơn sốt đất xảy ra?
Loạt địa phương lên cơn 'sốt đất' ăn theo quy hoạch sân bay
Sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn. Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi.
Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời.
Những năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến nhiều đợt sốt đất, không chỉ tại các dự án ở các thành phố lớn, mà còn ở các thành phố vệ tinh như Đồng Nai, Thạch Thất (Hà Tây), Vân Đồn (Quảng Ninh), Đồng Nai, Phú Quốc... và gần đây nhất là tại Hớn Quản (Bình Phước).
Cụ thể, cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước được cho là do một bộ phần người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc Ních với diện tích lên tới 500 ha.
Theo đó, ngay sau khi đoàn khảo sát của tỉnh Bình Phước đến để khảo sát vị trí để xin chủ trương quy hoạch sân bay, cơn sốt đất quanh khu vực sân bay Téc Ních, huyện Hớn Quản đã lập tức bùng lên.
Môi giới và các nhà đầu tư ồ ạt đổ lên Bình Phước để chèo kéo, dụ dỗ người dân mua bán đất. Các xã An Khương, Tân Lợi huyện Hớn Quản trở thành tâm điểm của cơn sốt đất… Giá đất tại đây tăng chóng mặt, các khu vực gần sân bay có giá bán tăng gấp 4, 5 lần mức giá trước khi có thông tin đề xuất quy hoạch sân bay, từ 150 đến 200 triệu đồng/450-500 m2 lên đến 800 đến 1 tỷ đồng tùy từng vị trí.
Cơn sốt đất ở Bình Phước thực chất chỉ là "sốt ảo", được tạo bởi một nhóm nhà đầu tư đã mua với giá rẻ trước đó. Sau khi có thông tin Bình Phước dự kiến lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay thì những người này bung hàng ra bán, bằng hình thức sang tay, mua đi bán lại… nhằm tạo cơn sốt ảo để lôi kéo người mua…. Chỉ sau một tuần, bong bóng đã vỡ.
Tương tự, năm 2019 giá bất động sản tại Phan Thiết thay đổi từng đêm trước thông tin sắp khởi công dự án sân bay Phan Thiết cùng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn…
Ô tô biển số nhiều tỉnh ngày nào cũng đậu nối đuôi nhau dò giá đất tại Phan Thiết.
Từ đầu tháng 4/2019, lượng khách quan tâm đến các dự án tại Phan Thiết – Mũi Né tăng đột biến. Nhất là dịp cuối tuần, văn phòng này phải thuê xe 50 chỗ chở khách đi, nhiều khách còn bay từ tận Hà Nội, Sài Gòn vào tìm mua đất tại các dự án. Các đoàn khách nhà đầu tư cũng đổ về Mũi Né tìm kiếm cơ hội đầu cơ, lướt sóng đất cũng đông vui như trẩy hội.
Giá đất tại đây đã tăng chóng mặt, lên tới 4-5 tỷ đồng cho mỗi 1000 m2 (loại đất trồng cây lâu năm có một phần đất ở), tăng gấp 3-4 lần so với đầu năm. Loại đất này năm 2018 chỉ giao dịch quanh mức 300-400 triệu đồng mỗi 1000m2.
Ngay cả đất rừng cũng được rao bán rầm rộ với giá tăng đột biến tới 1-1,2 tỷ đồng/1000m2 đất trong khi năm ngoái mới có hơn 100 triệu đồng/sào.
Theo tiết lộ của một cò đất, "đội lái" giá đất Mũi Né vừa qua chỉ tập trung "đánh sóng" ở khu vực xã Thiện Nghiệp quanh sân bay để đẩy giá, bán hàng đã ôm từ trước. Bởi thực tế, các đội lái đều đã ôm đất giá rẻ từ vài tháng trước, chỉ chờ cơ hội để tạo sóng, hay ngóng chờ các tin tức tốt về dự án lớn, quy hoạch sân bay hay động thái khởi công dự án… để "mượn gió" thổi giá đất tăng nhanh.
Hơn nữa, các đội nhóm buôn đất lớn còn tung chiêu cho đội quân đi mua bán liên tục, tạo cảm giác sốt nóng để thu hút nhiều người tham gia, từ đó, dễ dàng thoát hàng.
Hải Phòng có lên cơn sốt đất khi đề xuất xây sân bay thứ 2?
Ngày 28/2, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng cho hay, kế hoạch xây dựng 100 cây cầu sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, trong đó 5 cây cầu hoàn thiện từ nay đến hết năm 2021.
Cũng trong năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng sẽ trình lãnh đạo thành phố thông qua kế hoạch xây dựng 57 cầu. Giai đoạn 2022-2025, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng đề xuất xây dựng 29 cầu.
Dự kiến tổng vốn đầu tư các cây cầu nêu trên khoảng 38.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện còn có 19 dự án cầu đang triển khai.
Sân bay Cát Bi, Hải Phòng.
Đáng chú ý, UBND TP Hải Phòng vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy hoạch Tiên Lãng là sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Trong dự thảo "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến 2030, tầm nhìn 2050" đang được Bộ GTVT lấy ý kiến không có sân bay ở Tiên Lãng. Đơn vị tư vấn Quy hoạch dự kiến đến năm 2050 cả nước có 30 sân bay. Sân bay thứ hai cho Vùng thủ đô được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040. Sân bay quốc tế thứ hai vùng Thủ đô có công suất 50 triệu hành khách, nghiên cứu vị trí và xây dựng sau năm 2040.
Theo UBND TP Hải Phòng, tại Nghị quyết số 45/NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đến năm 2045, TP. Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng các quy hoạch đường bộ, đường sắt đô thị kết nối sân bay Tiên Lãng.
Do đó, UBND TP. Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số 2 Vùng Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng cũng đề nghị đơn vị chủ trì lập Quy hoạch xem xét nâng công suất dự kiến của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi để phù hợp với công suất dự kiến tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đến năm 2030 đạt công suất 13 triệu hành khách/năm; năm 2045 là 27,6 triệu hành khách/năm.
Đặc biệt, UBND TP. Hải Phòng còn đề nghị bổ sung vào quy hoạch sân bay taxi tại Cát Bà, Bạch Long Vĩ phục vụ du lịch và cứu hộ.
Với những gì đã diễn ra trên thị trường bất động sản trước đó, khả năng "cò" đất và giới đầu tư sẽ "đổ bộ" địa phương này và tạo nên những kịch bản sốt đất tương tự như Hớn Quản, Phan Thiết,… là rất lớn?
Có thể dễ dàng nhìn thấy rằng việc xây dựng một sân bay không thể là một bước ngoặt cho kinh tế toàn tỉnh. Thứ nhất đây chỉ mới dừng lại ở mức chủ trương đang đợi xem xét và phê duyệt. Thứ hai việc giá thị trường bất động sản tại tỉnh có tăng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.
Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị bất động sản và tạo sức hút trên thị trường bao gồm cung cấp đầy đủ các tiện ích xã hội như trường học bệnh viện, giao thông thuận lợi và cơ hội nghề nghiệp. Việc hình thành một khu dân cư không phải là dễ và liên quan đến bài toán kinh tế đô thị. Các địa phương cần có những sức hút khác biệt để khuyến khích di dân đến địa phương một cách cơ học.
Lê TuấnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.