Hải Phòng: Du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn

Địa phương
12:00 PM 01/10/2021

Gắn liền với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế, Hải Phòng đã nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “đẩy mạnh và phát triển du lịch thành phố”, đưa du lịch dần trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần chỉ đạo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hải Phòng: Du lịch sẽ trở thành  một trong những ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Thành phố Hải Phòng.

Tầm quan trọng của Nghị quyết

Sự ra đời của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về "phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn" đã làm tăng tính hiệu quả, hiệu lực và kịp thời của Nghị quyết số 04-NQ/TU đối với thành phố Hải Phòng. Cùng với việc cụ thể hóa và thống nhất trong chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết số 15/NQ-HĐND về "nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030"; Quyết định số 2700/QĐ-UBND ngày 19/01/2017 về "chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương và thành phố về phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn", Nghị quyết số 04-NQ/TU trở thành chỉ tiêu, kế hoạch thường niên trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sau 5 năm thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngành du lịch thành phố có bước phát triển đáng kể. Đến năm 2019, đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về lượt khách và doanh thu. Đặc biệt, vai trò, vị trí của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố dần được khẳng định thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Theo đó, du lịch được xác định là một trong ba trụ cột và là chiến lược cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng du lịch có bước tăng vượt bậc thông qua việc đầu tư và đầu tư hàng loạt các công trình, dự án lớn. Trong thời gian ngắn, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại cao cấp… hỗ trợ phát triển du lịch.

Theo báo cáo, giai đoạn 2016 - 2019 (thời điểm trước khi dịch bệnh COVID-19), khách du lịch đến Hải Phòng có mức tăng trưởng khá nhanh và liên tục, bình quân 15%/năm. Riêng năm 2018, thành phố đón 7,8 triệu lượt khách, năm 2019 đón 9,08 triệu lượt khách, với tổng doanh thu 7.850 tỷ đồng (gấp 2 lần chỉ tiêu Nghị quyết). Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thành phố chỉ đón 7,51 triệu lượt khách (bằng 83% so với 2020), tổng doanh thu đạt 6.760 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2021, thành phố chỉ đón 2.360 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chủ yếu là chuyên gia, doanh nhân làm việc tại Hải Phòng.

Đến hết tháng 6/2021, thành phố có 74 đơn vị hoạt động lữ hành và vận chuyển khách du lịch (tăng 15,6%), trong đó có 28 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 37 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 9 chi nhánh, địa lý, văn phòng đại diện du lịch…; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang được các hãng hàng không khai thác với 11 đường bay nội địa (tăng 6 đường bay so với 2016) từ Hải Phòng đi nhiều nơi: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Nha Trang, Phú Quốc, Thâm Quyến, Côn Minh (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc)… Nguồn nhân lực du lịch có sự tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng với 15.850 lao động (2019), tăng 21% so với 2016, trong đó 85% số lao động được đào tạo.

Sản phẩm du lịch được phát triển đa dạng, các sản phẩm mới, có sức hấp dẫn được đầu tư. Giai đoạn 2016-2019, hình thành và phát triển thêm 3 sản phẩm mới (du lịch thuyền, du lịch thể thao và du lịch nông nghiệp - nông thôn).

Đầu tư nhiều dự án lớn

Để điều chỉnh quy hoạch nhằm thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, phân khúc du lịch cao cấp, thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ khu vực đảo Cát Hải và Cát Bà trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng và quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư phát triển du lịch, từng bước đưa Cát Bà, Đồ Sơn và đảo Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế vào năm 2025.

Giai đoạn 2016-2021, thành phố đầu tư thêm 17 dự án, với tổng kinh phí hơn 61.000 tỷ đồng. Đó là các dự án: khu vui chơi giải trí và công viên sinh thái cao cấp tại đảo Vũ Yên; khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch và khu dịch vụ hậu cần du lịch Cát Bà; Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng; sân golf… 

Một số dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác: khách sạn 5 sao Vinpearl Hotel Imperia; khách sạn tiêu chuẩn 5 sao Mgallery Cát Bà; tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà; bãi tắm Cát Cò 1,2 thị trấn Cát Bà; tuyến cáp treo 3 dây Cát Hải - Phù Long; bãi biển nhân tạo thuộc khu du lịch Đồi Rồng (Đồ Sơn); phía Nam thành phố cũng được đầu tư, phát triển, mở rộng không đa dạng loại hình sản phẩm du lịch.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, về vị trí vùng và hệ thống kết nối giao thông đồng bộ, Hải Phòng đang từng bước trở thành một trong những trung tâm thu hút luồng khách du lịch của khu vực duyên hải Bắc Bộ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Hải Phòng vẫn là một trong những điểm đến an toàn khi triển khai rất quyết liệt và kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo dựng hình ảnh một Hải Phòng tin cậy, thân thiện, hấp dẫn trong mắt nhân dân và khách du lịch.

Phan Thương
Ý kiến của bạn