Hải Phòng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu 'Thành phố Anh hùng'
Sau TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 trong cả nước được đón nhận danh hiệu Anh hùng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Cảng sẽ nhận danh hiệu này tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng - Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, dự kiến diễn ra vào ngày 13/5.
Ngày 28/4, Chủ tịch nước Lương Cường ký Quyết định số 766/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu "Thành phố Anh hùng" cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Hải Phòng do có thành tích đặc biệt xuất sắc và toàn diện, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Danh hiệu này đáp ứng niềm mong mỏi của toàn thể chính quyền, nhân dân thành phố, là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, đóng góp to lớn của chính quyền, nhân dân TP Hải Phòng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tâm Thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đàm Thanh/Haiphong.gov.vn
Như vậy, sau TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 trong cả nước được đón nhận danh hiệu Anh hùng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Cảng sẽ nhận danh hiệu này tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng - Lễ hội Hoa Phượng Đỏ.
Dự kiến lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào ngày 13/5 tại Quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính ở Khu đô thị Bắc sông Cấm với sự tham dự của khoảng 15.000 đại biểu, khách mời, du khách và người dân địa phương. Bên cạnh đêm nhạc khai mạc lễ hội, thành phố đồng loạt tổ chức hơn 100 hoạt động, chương trình, sự kiện về kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật, thể thao du lịch… Nổi bật trong chuỗi các sự kiện mừng kỷ niệm trọng đại 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng là việc khởi công, khánh thành 7 dự án trọng điểm; tổ chức bắn pháo hoa trong cùng một thời điểm tại 6 địa điểm trên địa bàn.
Kể từ ngày giải phóng (13/5/1955), từ một đô thị công nghiệp và cảng biển truyền thống, TP Hải Phòng đã vươn lên thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, là cực tăng trưởng trọng điểm khu vực phía Bắc.
Với chiến lược quy hoạch hiệu quả, thu hút đầu tư mạnh mẽ và quản lý tài chính bền vững, Hải Phòng hiện nằm trong nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước, cùng với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai.
Một số dấu ấn nổi bật TP Hải Phòng đã đạt được trong thời gian gần đây nhất (năm 2024), có thể kể đến như: Quy mô GRDP của thành phố năm 2024 gấp 6,32 lần năm 2010, gấp 1,62 lần năm 2020. Hải Phòng là địa phương duy nhất tăng trưởng hai con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ năm 2024 đạt 11,01%, cao hơn 1,55 lần so với bình quân cả nước.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 9.486 USD, gấp hơn 20 lần so với năm 2003 - năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 32 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo định hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, giảm tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong nội bộ các ngành kinh tế, tỷ trọng các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại tăng dần.
Trong 3 năm liên tiếp (2022-2024), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Trong 4 năm (2021-2024), Hải Phòng nằm trong top 5 thành phố dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Cuối năm 2024, thành phố Hải Phòng đã được phê duyệt thành lập khu kinh tế thứ hai Nam Hải Phòng với quy mô 20.000 ha, nhằm nâng tầm thành phố trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu quốc gia.
Thanh Hải
Khi tài sản số đang làm thay đổi diện mạo các giao dịch tài chính toàn cầu và tín chỉ carbon được xem là 'chìa khóa' mở cửa tài chính xanh. Tuy nhiên, hiện khung pháp lý Việt Nam lại đang thiếu những quy định cụ thể để tận dụng lợi thế từ hai loại tài sản mới này.