Hải Phòng: Hướng tới mục tiêu kinh tế số chiếm 35% GRDP trong năm 2025
UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND về phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố năm 2025, nhằm định hướng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 35% GRDP.
Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 35% GRDP; kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; thương mại điện tử chiếm trên 15% tổng mức bán lẻ.
Ngoài ra, thành phố hướng tới đạt tỷ lệ trên 0,7 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân; 85% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; hơn 50% người trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; và 80% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử VNeID.
Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế hiện đại, bền vững của thành phố Hải Phòng.

Kế hoạch của UBND thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 35% GRDP. Ảnh: Internet
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Kế hoạch 106/KH-UBND tập trung vào nhiệm vụ khảo sát, đo lường và đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng giao các đơn vị chức năng tổ chức hội nghị, hội thảo hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự đánh giá theo bộ tiêu chí chuẩn. Thành phố sẽ lựa chọn một số địa phương thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn.
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ tăng cường hỗ trợ kết nối các tổ chức, doanh nghiệp với hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ số, hình thành hệ sinh thái số địa phương đồng bộ, hiệu quả.
Thành phố cũng khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghệ số mạnh, đóng vai trò là lực lượng sản xuất tiên tiến trong nền kinh tế số. Các cơ quan chuyên môn sẽ xác định các bài toán thực tiễn để đặt hàng doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, triển khai giải pháp, góp phần giải quyết các điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Việc xây dựng hạ tầng Internet vạn vật (IoT) và triển khai đồng bộ các tiện ích số cũng được đẩy mạnh trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm. Hải Phòng xác định 5 nhóm ngành ưu tiên thúc đẩy kinh tế số, bao gồm: thương mại điện tử, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh và công nghệ thông tin - truyền thông (ICT).
Đây là những lĩnh vực có tiềm năng lớn, đóng vai trò then chốt trong cơ cấu kinh tế thành phố hiện nay và trong tương lai.
Thành phố Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích hợp các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế số vào kế hoạch chuyển đổi số của từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong triển khai.
Thanh Hải
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón 7,67 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2024.