Hải Phòng: Phê duyệt 5 dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp
UBND TP. Hải Phòng cho biết thành phố đã có quyết định phê duyệt danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2026 - 2030 với quy mô sử dụng đất khoảng 1.450ha phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, trồng rau, trồng hoa, chăn nuôi và giết mổ công nghệ cao.
Theo thông tin từ UBND TP. Hải Phòng, một trong những dự án trọng điểm là vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và thành phố Thủy Nguyên.
Với quy mô khoảng 800 ha, đây là dự án có diện tích lớn nhất, nhằm xây dựng các vùng chuyên canh rau an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, gắn với khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Dự án này sẽ được đầu tư áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá, công nghệ sản xuất tiên tiến trong chọn tạo, nhân giống, phòng trừ dịch hại… phát triển vùng sản xuất rau công nghệ cao quy mô công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác.

Hải Phòng phê duyệt danh mục dự án nông nghiệp trọng điểm giai đoạn 2026 - 2030. Ảnh: Internet
Dự án thứ hai là nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao tại huyện Vĩnh Bảo có quy mô sử dụng 400ha đất. Dự án có mục tiêu đa dạng hoá các đối tượng nuôi, phương thức nuôi, cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp từng vùng sinh thái, phát triển các loại cá có tiềm năng, giá trị kinh tế cao, đưa nuôi trồng thuỷ sản thành một lĩnh vực sản xuất hàng hoá sản lượng lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Dự án sẽ đầu tư cơ sở sản xuất nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hiện địa, ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ 4.0 trong quản lý, sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hướng đến tái tạo nước thải nuôi trồng, chế biến thuỷ sản giảm sức ép lên môi trường.
Trong lĩnh vực hoa cảnh, TP. Hải Phòng triển khai dự án sản xuất hoa công nghệ cao tại huyện Vĩnh Bảo và quận An Dương, với tổng diện tích khoảng 120 ha.
Mục tiêu là xây dựng các vùng trồng hoa tập trung, quy mô công nghiệp, ứng dụng nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới tiêu thông minh và cơ giới hóa sản xuất. Việc đầu tư đồng bộ về công nghệ và hạ tầng giúp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng hoa.
Đáng chú ý, thành phố còn định hướng phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp giết mổ hiện đại với quy mô 105 ha tại huyện Vĩnh Bảo và TP. Thủy Nguyên.
Dự án này đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, trang bị hệ thống chuồng trại khép kín, camera giám sát, thiết bị tự động hóa cùng hệ thống lò giết mổ công nghệ cao. Mục tiêu là đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong khu vực.
Dự án thứ năm là khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có quy mô 25 ha triển khai tại quận An Dương (1 ha), thành phố Thuỷ Nguyên (12 ha), các huyện An Lão (1 ha), Tiên Lãng (4 ha), Vĩnh Bảo (4 ha), Kiến Thuỵ (3 ha). Dự án nhẳm đảm bảo nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho thị trường trong nước, phát triển các ngành hàng có tiềm năng và thị trường như thịt gia cầm và gia súc lớn.
Dự án này sẽ được ứng dụng công nghệ hiện đại đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc giết mổ gia súc gia cầm, cung cấp sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
UBND TP. Hải Phòng cho biết, các thông số cụ thể như vị trí, quy mô đầu tư, tổng vốn và hình thức huy động sẽ được nghiên cứu và quyết định trong quá trình lập dự án chi tiết.
UBND TP. Hải Phòng giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố chủ trì cùng Sở Tài chính và các cơ quan đơn vị liên quan có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện theo quy định, kịp thời đề xuất báo cáo UBND thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung danh mục cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thanh Hải
Đây là nhiệm vụ dài hạn được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu thực hiện tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng chiều tối ngày 24/5.