Hải Phòng: Triển khai Chương trình Bình ổn thị trường dịp cuối năm
UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhằm điều hòa và cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường hàng hóa và an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong dịp cuối năm.
Chương trình thực hiện bình ổn thị trường đối với 8 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, gồm có gạo; gia vị; dầu ăn; thịt lợn; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thủy hải sản; rau, củ. Theo yêu cầu của Kế hoạch, hàng hóa trong Chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thành phố ngay cả trong trường hợp nếu xảy ra biến động thị trường.
Theo đó, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã; các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia, chấp hành các quy định của Chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Các cơ sở đăng ký tham gia phải có ngành nghề sản xuất, kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong Chương trình, có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình. Cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia Chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm, niêm yết giá theo quy định, bán đúng theo giá thông báo của doanh nghiệp.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nguyên liệu, sản xuất, dự trữ hàng hóa đầy đủ để cung ứng và giữ ổn định giá bán trong thời gian 2 tháng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
UBND Thành phố giao Sở Công thương là cơ quan thường trực của Chương trình, chủ trì phối hợp các Sở, ngành chức năng, các quận, huyện và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường và tình hình cung - cầu hàng hóa để kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện triển khai nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân. Công khai thông tin đăng ký tham gia Chương trình đến mọi đối tượng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và vận động, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình. Triển khai Chương trình gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tổ chức các chương trình đưa hàng Việt phục vụ Nhân dân vùng ngoại thành, hải đảo, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
Kiểm tra, giám sát công tác sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu; tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn Thành phố.
Trung KiênDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.