Hải Phòng xin tự đầu tư kinh phí nghiên cứu quy hoạch sân bay quốc tế tại Tiên Lãng, cho phép nâng cấp Casino ở Đồ Sơn

Đầu tư và Tiếp thị
02:22 PM 20/12/2021

Đề xuất này được lãnh đạo Hải Phòng kiến nghị nghị với Chính phủ taị buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ với cán bộ chủ chốt TP. Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vào ngày 19/12.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với cán bộ chủ chốt TP. Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. 

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND Hải Phòng nêu rõ, trong giai đoạn 2015-2020, thành phố đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 13,94%/năm, gấp 1,3 lần mục tiêu đề ra, gấp 2,06 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 3 lần giai đoạn trước; tổng nguồn lực cho hạ tầng giao thông đạt gần 44.000 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giai đoạn trước, cùng với các địa phương bên cạnh hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng, mở rộng không gian phát triển của vùng.

Sang đến năm 2021, Hải Phòng là một trong những địa phương thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế ở mức cao. Chủ tịch UBND Hải Phòng cho biết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của tỉnh ước 12,38%, nằm trong nhóm dẫn đầu các địa phương trên cả nước. 

Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 90.000 tỷ đồng, vượt dự toán. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. 

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, thành phố đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch; phát triển công nghiệp, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; giao thông vận tải,...

Cụ thể, Hải Phòng đề nghị Chính phủ cho phép thành phố tự đầu tư kinh phí để nghiên cứu quy hoạch chi tiết về xây dựng cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng để bắt đầu xây dựng từ năm 2030; sớm chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Tiên Thanh, hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương gia hạn và cho phép đầu tư nâng cấp dự án kinh doanh Casino tại Đồ Sơn, nếu không được gia hạn sẽ chấm dứt vào tháng 8/2022; sớm đầu tư đường giao thông phía sau các bến tại cảng quốc tế Lạch Huyện; sớm đầu tư xây dựng bổ sung cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; sớm phê duyệt Đề án di dời cảng Hoàng Diệu để thành phố khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi.

Ngoài ra, Hải Phòng kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc đoạn từ tỉnh Thanh Hóa, qua Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình kết nối đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội trên địa bàn thành phố kết nối với cầu Bạch Đằng sang Quảng Ninh, sử dụng nguồn vốn của chương trình phục hồi kinh tế bền vững để thực hiện,...

Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng; Bộ Giao thông Vận tải sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng quốc tế Lạch Huyện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga T2 - giai đoạn 1 thuộc Cảng hàng không quốc tế Cát Bi,...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cơ bản đồng tình cao với các kiến nghị của Hải Phòng theo hướng tháo gỡ cơ chế chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chịu trách nhiệm và chủ động, sáng tạo của Hải Phòng.

Thủ tướng yêu cầu thành phố lựa chọn một số việc có tính khả thi, đủ thời gian, nguồn lực, năng lực, điều kiện để triển khai hiệu quả. Thủ tướng lưu ý, Hải Phòng cần phát triển các khu công nghiệp lớn theo mô hình 5 trong 1 (phát triển đồng bộ công nghiệp, dịch vụ, thành phố thông minh, đặc biệt coi trọng cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục…).

Quỳnh Anh
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.