Hai sư thầy kết nối những tấm lòng Việt hướng về miền Trung
Để kịp thời chia sẻ những khó khăn cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề sau bão lũ, bằng tấm lòng từ bi của người khắc tâm hướng Phật, sư thầy Thích Diệu Thanh và sư thầy Thích Tuệ Hạnh đã kêu gọi nhân dân, phật tử quyên góp, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ...
Những ngày tháng 10, mưa bão liên tiếp ập đến khiến hàng ngàn người dân miền Trung phải gồng mình chống lũ. Mưa xối xả, trắng trời và nước lũ bao vây tứ bề tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị đã đẩy biết bao gia đình vào cảnh khó khăn chồng chất. Người dân ở hai xã Ba Lòng và Ba Nang của huyện Đakrông phải đối mặt với tình trạng lương thực cạn kiệt, nước sạch khan hiếm và nỗi lo bệnh tật hoành hành sau bão lũ.
Để kịp thời chia sẻ những khó khăn cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề sau bão lũ, bằng tấm lòng từ bi của người khắc tâm hướng Phật, sư thầy Thích Diệu Thanh (trụ trì chùa Hưng Khánh - xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) và sư thầy Thích Tuệ Hạnh (trụ trì chùa Sùng Bảo - xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) đã cùng các phật tử kêu gọi nhân dân, phật tử quyên góp, ủng hộ đồng bào hai xã bị ảnh hưởng nặng nề của bão lụt.
Sư thầy Thích Tuệ Hạnh chia sẻ: Hàng ngày, theo dõi thông tin bão lũ ở miền Trung, tôi thấy vô cùng xót xa trước cảnh người dân đang phải gồng mình chống lũ. Họ hầu như mất hết nhà cửa, ruộng vườn, thậm chí đã có những người bị thiệt mạng do lũ. Đau thương chồng chất đau thương nơi mảnh đất này. Chính vì thế, tôi và sư thầy Thích Diệu Thanh đã phát động chương trình quyên góp, ủng hộ tiền, hiện vật để chia sẻ, giúp đỡ cho người dân miền Trung phần nào giảm bớt mất mát, khó khăn.
Với tinh thần "Tương thân tương ái", "Lá lành đùm lá rách", người dân ở khu vực tọa lạc của hai ngôi chùa là Hưng Khánh và Sùng Bảo đã nghe theo "mệnh lệnh trong trái tim", gửi tấm lòng tới miền Trung thân yêu. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, sư thầy Thích Diệu Thanh và sư thầy Thích Tuệ Hạnh đã quyên góp được hơn 600 triệu đồng, 01 tấn gạo, mì tôm và cùng các hiện vật khác. Các thầy đã tổ chức mua chăn bông, nhu yếu phẩm, thuốc men và đặc biệt là đã tổ chức gói hơn 2.000 chiếc bánh chưng xanh để ủng hộ nhân dân vùng lũ.
Cuối tháng 10 vừa qua, chuyến xe thiện nguyện của chùa Hưng Khánh và chùa Sùng Bảo đã đến hai xã Ba Lòng và Ba Nang của huyện ĐaKrông tỉnh Quảng Trị. Những chiếc bánh chưng xanh, bao gạo, thùng mì tôm, những gói thuốc chữa bệnh, chăn màn, quần áo và những chiếc phong bì chứa đầy yêu thương đã được các thầy chuyển đến tận tay bà con vùng lũ.
Tiếp nhận tấm lòng của đồng bào miền Bắc gửi tới miền Trung trong lúc khó khăn, hoạn nạn, ông Hồ Mi - Chủ tịch UBND xã Ba Nang xúc động cho biết: "Lãnh đạo và nhân dân xã rất biết ơn những món quà mà sư thầy Thích Diệu Thanh và sư thầy Thích Tuệ Hạnh đã trao tặng cho bà con. Đây chắc chắn sẽ là những món quà hết sức ý nghĩa, có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần, mang tình thương của Đức Phật từ bi tới chúng sinh".
Sư thầy Thích Diệu Thanh mong rằng, các nhà hảo tâm sẽ không chỉ là những gói hàng cứu trợ khẩn cấp giúp người dân chống đói qua ngày, mà còn là những giải pháp giúp đồng bào bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh; giúp các em học sinh sớm trở lại trường lớp, khôi phục các cơ sở hạ tầng bị hư hại và giúp người dân dần khôi phục sản xuất, ổn định đời sống...
Được biết, không chỉ tham gia hoạt động thiện nguyện ủng hộ nhân dân miền Trung lần này, hàng năm các thầy vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến thiện nguyện đến với đồng bào khó khăn ở vùng biên giới ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu; giúp đỡ các cháu học sinh có cặp sách, áo ấm, xe đạp tới trường; tặng trang thiết bị vật chất cho các chiến sĩ ở các đồn biên phòng; thăm tặng quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn,…
Trong quá trình thiện nguyện, các thầy luôn tâm niệm: "Giúp được một người hơn xây bảy tháp chùa", vì thế luôn mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng và phát triển đất nước, theo tấm gương nhập thế cứu đời của chư Phật chư Tổ, vì mục tiêu của Phật giáo Việt Nam "Đạo pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa". Hành trình làm việc thiện của hai thầy chắc chắn sẽ truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng, gieo nhân lành tốt đẹp cho xã hội.
Nguyễn HạnhCông cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".