Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 6,28 tỷ USD
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang tháng 2 đã tăng trưởng trở lại. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 6,28 tỷ USD.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,28 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 5,72 tỷ USD, giảm 9,5%; xuất siêu 559 triệu USD, giảm 68,5% so với cùng kỳ năm trước.
Do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và tác động khó khăn về đơn hàng khiến giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 1/2023 chỉ đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình này đã bắt đầu cải thiện vào tháng 2.
Chỉ riêng trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 2/2022 và tăng 18,1% so với tháng 1/2023. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 1,79 tỷ USD (tăng 25,9%); chăn nuôi đạt 29 triệu USD (tăng 46,5%); đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD (giảm 5,2%); lâm sản chính gần 872,1 triệu USD (giảm 10,7%); thủy sản đạt 550 triệu USD (giảm 13,1%)...
Trong tháng 2/2023, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể là: Chè đạt 25 triệu USD (tăng 5,1%); nhóm rau quả đạt 592 triệu USD (tăng 17,8%); sắn và sản phẩm sắn đạt 283 tỷ USD (tăng 32,7%), sữa và sản phẩm từ sữa đạt 16,2 triệu USD (tăng 10,2%); thịt, phụ phẩm 16,9 tỷ USD (tăng 14,2%).
Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác kim ngạch xuất khẩu tháng 2 lại giảm, như: Cà phê 703 triệu USD (giảm 14,6%), cao su 394 triệu USD (giảm 23,1%), gạo 417 triệu USD (giảm 10,8%), hạt điều 327 triệu USD (giảm 14,3%), hạt tiêu 129 triệu USD (giảm 7,4%), cá tra 133 triệu USD (giảm 64,1%), tôm 251 triệu USD (giảm 54,9%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,61 tỷ USD (giảm 34,8%), sản phẩm mây, tre, cói thảm đạt 106 triệu USD (giảm 39,8%)...
Về thị trường xuất khẩu, 2 tháng đầu năm 2023, các thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á (chiếm 47,4% thị phần), châu Mỹ (21,1%), châu Âu (13,4%), châu Đại Dương (1,4%) và châu Phi (1,3%). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ với khoảng 1,19 tỷ USD (chiếm 19% thị phần); đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 563 triệu USD (chiếm 9%); đứng thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 302 triệu USD (chiếm 4,8%).
Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới. Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực.
Huyền My (t/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.