Hai tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72%
Tính đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 sáng 14/3, thay mặt Ngân hàng Nhà nước trình bày báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022.
Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).
NHNN cho biết, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.
"Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế," đại diện NHNN khẳng định.
Nhận diện bối cảnh, Phó Thống đốc cho hay, kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp, chênh lệch lãi suất USD/VND,... là những yếu tố tác động tiêu cực lên sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong nước, nhất là khi lãi suất VND dự kiến tiếp tục giảm.
Theo đó, chia sẻ nguyên nhân tăng trưởng tín dụng đi lùi trong hai tháng đầu năm, đại diện NHNN cho rằng: Về nguyên nhân khách quan, theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán dẫn tới hai tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.
Bên cạnh đó, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng, thiếu đơn hàng, nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.
"Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 21% tín dụng chung, tín dụng bất động sản tăng/giảm thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm," một nguyên nhân khác được Phó Thống đốc chỉ ra.
Chưa kể, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi.
Trong khi đó, khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như: đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc hay một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp,...
Về nguyên nhân chủ quan, NHNN cho rằng, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.
Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó thống đốc cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, như kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm nay; hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16; sửa đổi đồng bộ các thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Công an, sử dụng dữ liệu của Đề án 06 để tạo thuận lợi cho vay tiêu dùng, hạn chế "tín dụng đen". Phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ ngành có liên quan triển khai gói 120.000 tỷ đồng, chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, sẽ thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bất động sản, xăng dầu, dự án, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn...
Huyền My (t/h)Trong báo cáo mới cập nhật, SSI Research dự báo ngành hàng không Việt Nam trong năm 2025 dự kiến sẽ được tiếp sức mạnh mẽ nhờ ba yếu tố then chốt.