Hàn Quốc cần tuyển hơn 12.000 lao động Việt Nam trong năm 2023

Thị trường
03:46 PM 17/03/2023

Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ tuyển dụng số lượng lớn lao động Việt Nam trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp trong năm 2023.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa thông báo kế hoạch tuyển chọn người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (chương trình EPS).

Đây là kế hoạch được thực hiện theo nội dung Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam về việc phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Theo kế hoạch được thống nhất giữa hai Bộ, năm 2023, Hàn Quốc cần hơn 12.000 lao động ở các ngành nghề là sản xuất chế tạo (6.344 người); ngành xây dựng (901 người); ngành nông nghiệp (841 người); ngành ngư nghiệp (4.035 người).

Hàn Quốc cần tuyển hơn 12.000 lao động Việt Nam trong năm 2023 - Ảnh 1.

Hàn Quốc có kế hoạch tuyển dụng 12.000 lao động Việt Nam (Ảnh minh họa)

Bên cạnh yêu cầu chung có trong quy định, mỗi ngành cũng có những điều kiện bổ sung thêm trong kế hoạch tuyển dụng 2023.

Đối với ngành sản xuất chế tạo và xây dựng, người lao động đang đăng ký thường trú tại các địa phương không tạm dừng tuyển chọn theo thông báo của Bộ LĐTB&XH.

Người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành đăng ký và về nước đúng hạn hợp đồng (bao gồm trường hợp người lao động đăng ký thường trú tại các địa phương tạm dừng tuyển chọn năm 2023).

Với ngành nông nghiệp, ưu tiên cho lao động tại 74 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 353 của Thủ tướng Chính phủ (trừ các xã thuộc các huyện tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2023) và các huyện miền núi, vùng cao, hải đảo theo Công văn số 930 của Bộ Nội vụ.

Người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành nông nghiệp về nước đúng hạn hợp đồng.

Đối với ngành ngư nghiệp, ưu tiên người lao động thường trú tại các huyện ven biển và hải đảo (bao gồm các huyện tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2023). Ngoài ra, yêu cầu người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành ngư nghiệp về nước đúng hạn hợp đồng.

Bộ LĐTB&XH đánh giá Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Năm 2022, số lượng người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc là hơn 9.900 người. Trong đó, lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS đạt hơn 8.900 người.

Hiện nay các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp tục trao đổi với các đơn vị liên quan của Hàn Quốc nới lỏng các điều kiện để lao động trong ngành đóng tàu sớm nhập cảnh Hàn Quốc; thúc đẩy công tác kết nối, hỗ trợ các địa phương trong nước đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ, nhất là các địa phương đang xúc tiến ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác.

Trước đó, Bộ LĐTB&XH đã ra thông báo sẽ tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tại một số địa phương theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS) đợt 1/2023, do có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 27% trở lên.

Thông báo này căn cứ Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo EPS ký năm 2021 và Kế hoạch giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Danh sách 8 quận/huyện thuộc 4 địa phương trong danh sách tạm dừng gồm: Huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.