Hàn Quốc hướng tới cuộc sống 'bình thường mới'
Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch COVID-19, đưa người dân “xứ kim chi” trở lại với cuộc sống bình thường, kết thúc 757 ngày phải tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Đây là cơ hội để các cơ sở kinh tế, doanh nghiệp nối lại đầy đủ các hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, song người dân Hàn Quốc được khuyến nghị tiếp tục cảnh giác nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại.
Lộ trình đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới của Chính phủ Hàn Quốc bao gồm dỡ bỏ các hạn chế đang áp đặt như giới hạn giờ kinh doanh của các nhà hàng, quán cà phê hoạt động đến 24 giờ đêm, tụ tập riêng tư tối đa 10 người, sự kiện tụ tập tôn giáo tối đa 299 người, quy định sử dụng tối đa 70% công suất các địa điểm biểu diễn...
Việc ăn uống, vui chơi tại các cơ sở công cộng như rạp chiếu phim, phòng biểu diễn được phép bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 25/4. Tuy nhiên, những nguy cơ từ Omicron, biến thể chính làm bùng phát làn sóng dịch ở Hàn Quốc gần đây, khiến chính phủ nước này giữ nguyên quy định về bắt buộc đeo khẩu trang.
Kế hoạch mới cũng bao gồm việc hạ mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 từ cấp độ 1 xuống cấp độ 2 trong hệ thống quản lý 4 cấp. Điều này dẫn đến thay đổi toàn diện hệ thống quản lý và đối phó dịch bệnh, theo đó coi COVID-19 như những bệnh truyền nhiễm cấp hai. Cơ quan chức năng sẽ ngừng theo dõi và báo cáo số ca nhiễm mới, bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ được điều trị tại các phòng khám và bệnh viện địa phương.
Người bệnh sẽ không phải cách ly và báo cáo chính quyền như trước. Chi phí khám, chữa bệnh sẽ do cơ quan bảo hiểm và cá nhân tự chi trả thay vì Nhà nước hỗ trợ miễn phí như từ trước đến nay.
Những điều chỉnh về quy định phòng dịch giúp Hệ thống Y tế quốc gia Hàn Quốc dần khôi phục hoạt động bình thường sau thời gian dài quá tải và thiệt hại nặng do COVID-19.
Phát ngôn viên của Cơ quan Kiểm soát và phòng dịch Hàn Quốc (KDCA) Ko Jae-young cho rằng, Hàn Quốc đã vượt qua đỉnh dịch và đang kiểm soát tốt theo xu hướng giảm nhanh. Phát ngôn viên nhấn mạnh đất nước cần thiết có một sự thay đổi tổng thể trong hệ thống cách ly và phản ứng với COVID-19 để tạo ra cuộc sống "thường ngày mới” hậu đại dịch.
Hàn Quốc cũng đã triển khai hệ thống điều trị tại nhà, kê đơn thuốc uống điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và không có triệu chứng.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn thận trọng khi áp dụng giai đoạn chuyển tiếp dự kiến trong bốn tuần, bắt đầu từ ngày 25/4, để chuyển dần hoạt động của hệ thống y tế và quản lý dịch bệnh về mức độ thông thường. Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhấn mạnh, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chuẩn bị đầy đủ cho phương án giả định dịch bệnh có thể tái diễn một lần nữa trong khi triển khai tiến trình khôi phục đời sống thường nhật như tình huống hồi tháng 11/2021, nghĩa là chủ động các phương án đối phó với tình huống xấu.
Hiện là thời điểm để Hàn Quốc tăng cường triển khai các kế hoạch khôi phục hoạt động kinh tế và du lịch. Chính phủ nước này đang nỗ lực đẩy nhanh giải ngân gói ngân sách bổ sung lên tới 50 nghìn tỷ won (hơn 40,6 tỷ USD) để bồi thường cho doanh nghiệp nhỏ, giới tiểu thương và cá nhân bị ảnh hưởng nặng bởi các quy định về phòng, chống dịch.
Chính phủ cũng xem xét mở rộng dần việc miễn thị thực nhập cảnh cho các quốc gia nhằm kích thích du lịch và thúc đẩy kế hoạch khôi phục 50% các chuyến bay quốc tế trong năm nay.
Các doanh nghiệp nhỏ cũng được phép hoạt động mà không bị hạn chế về thời gian và công suất. Những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, dịch vụ công là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định bãi bỏ hoàn toàn các quy định giãn cách.
Dỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách và đưa cuộc sống trở lại bình thường ở Hàn Quốc là xu thế tất yếu mà nhiều quốc gia cũng đang áp dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nguy cơ khó lường từ dịch bệnh, mọi chính sách sẽ được Chính phủ Hàn Quốc xem xét lại sau hai tuần triển khai quy định mới.
Hoài Anh (Theo Reuters)Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.