Hàn Quốc sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024 - Vấn đề cần quan tâm của Việt Nam là gì?
Để đối phó với tình trạng xói mòn nguồn thu thuế từ các tập đoàn đa quốc gia và đảm bảo các tập đoàn này chịu mức thuế phù hợp so với doanh thu, Hàn Quốc đã chính thức thông qua áp dụng Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD từ năm 2024.
Hiện nay, các thành viên OECD, bao gồm 20 cường quốc (G20), đang tăng cường thảo luận, hướng tới mục tiêu thực hiện Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% trong năm 2024 nhằm ngăn chặn tình trạng xói mòn nguồn thu thuế từ các tập đoàn đa quốc gia. Một trong các quốc gia đi đầu theo theo xu hướng này là Hàn Quốc, cụ thể ngày 23/12/2022, Quốc hội nước này đã tổ chức phiên họp toàn thể và quyết định thông qua Luật Thuế sửa đổi, lấy Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu làm tâm điểm. Theo đó, Hàn Quốc sẽ bắt đầu thực thi Quy tắc này từ ngày 01/01/2024.
Theo Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu EUR (tương đương khoảng 870 triệu USD) sẽ bị áp dụng mức thuế suất 15%, nếu công ty hưởng thuế suất hiệu quả thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư thì sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại chính quốc. Điều này tạo ra một cuộc cải tổ về chính sách ưu đãi thu hút đầu tư tại những quốc gia đang phát triển, vốn đang dùng thuế là công cụ chính để thu hút đầu tư, trong đó có Việt Nam. Nếu không "nhanh chân" thay đổi, các ưu đãi thuế hiện tại sẽ trở nên vô nghĩa, môi trường đầu tư nguội lạnh, khiến nhà đầu tư không còn mặn mà đầu tư vào các quốc gia này.
Tính tới thời điểm hiện nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn đang đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp thuộc phạm vi áp dụng của thuế suất tối thiểu toàn cầu hiện nắm giữ vị trí chủ chốt trong chuỗi giá trị và có sức ảnh hướng lớn đến hệ sinh thái các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các tập đoàn đa quốc gia, tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu có thể lan rộng đến các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ.
Hàn Quốc đang là một đối tác đầu tư quan trọng bậc nhất của Việt Nam, không chỉ vì số lượng vốn lớn mà còn vì vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử, hạ tầng đến năng lượng, ô tô đến hàng không vũ trụ, bất động sản đến tài chính ngân hàng, startups đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, logistics đến dịch vụ... Một số nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc có thể kể đến: LG (điện tử), Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco (lĩnh vực công nghiệp nặng và đóng tàu) đã có tác động quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện - điện tử, dệt may, da giày… Khi cơ chế về thuế suất tối thiểu được thực thi tại Hàn Quốc, các ưu đãi thuế thu hút đầu tư tại Việt Nam sẽ không còn tác dụng vì nhà đầu tư không được hưởng những chính sách này mà sẽ phải nộp thuế bổ sung về chính quốc.
Không chỉ riêng đối với Hàn Quốc, những nhà đầu tư đến từ các nước phát triển như Nhật Bản, Anh, Mỹ, EU... cũng sẽ phải đối mặt với tình huống tương tự khi những quốc gia này triển khai áp dụng Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu. Do đó, nếu còn muốn tiếp tục giữ chân cũng như thu hút "đại bàng" thì Việt Nam cần sớm tìm ra các giải pháp phù hợp trước ngưỡng cửa 2024 đang cận kề.
PVTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.