Hãng container lớn nhất thế giới Maersk mở rộng hoạt động kinh doanh kho bãi tại Việt Nam
"Tình trạng thiếu container và thiếu tàu do Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế đã làm tăng nhu cầu lưu kho. Ngoài ra còn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và giao hàng tận nơi", đại diện của Maersk cho biết.
Trong bối cảnh nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) vừa qua đã quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh kho bãi tại Việt Nam. Cụ thể, hãng đã mở thêm hai cơ sở logistics theo hợp đồng mới tại Bình Dương, cách trung tâm TP. HCM khoảng 25km và một cơ sở thứ 3 tại Bắc Ninh. Tổng diện tích mở rộng kho bãi là 38.000 m2.
Bên cạnh đó, hãng này còn có 11 cơ sở tự quản khác tại Việt Nam. Theo đại diện hãng, việc mở rộng cơ sở logistics theo hợp đồng mới sẽ "nâng cao kỹ năng quản lý hàng tồn kho đối với nhiều khách hàng từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam".
"Trung tâm phân phối mới ở Bình Dương sẽ hỗ trợ tăng trưởng thương mại đáng kể tại khu vực miền nam Việt Nam, đặc biệt đối với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ", hãng này cho hay.
Tại khu vực phía bắc, diện tích kho bãi của Maersk cũng đã tăng gấp đôi, lên 29.000 m2 ở tỉnh Bắc Ninh, nơi cách thủ đô Hà Nội 23 km và cách cảng container quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng TC-HICT khoảng 120 km. Hiện cảng TC-HICT đang có mức tăng sản lượng mạnh mẽ nhờ các chuyến vận tải trực tiếp đến Hoa Kỳ.
Ông Marco Civardi, Giám đốc điều hành tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar của Maersk nhận định, nhu cầu về kho bãi của Việt Nam đã tăng lên nhanh đáng kể trong thời kỳ đại dịch. "Tình trạng thiếu container và thiếu tàu do Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế đã làm tăng nhu cầu lưu kho. Ngoài ra còn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và giao hàng tận nơi", ông lý giải.
Trong khi các chủ kho bãi đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng việc chuyển từ mô hình "cho thuê khô" (dry lease - có nghĩa các hãng chỉ thuê lại kho bãi từ đơn vị cho thuê, không bao gồm bảo hiểm, dịch vụ bảo dưỡng hay các trang thiết bị hỗ trợ đi kèm) sang tự vận hành, thì các khoản đầu tư vào đất khu công nghiệp và logistics vẫn tăng liên tục.
Thực tế, tại khu vực miền bắc Việt Nam, năm 2020, nguồn cung nhà kho từ các chủ bất động sản tăng 25% so với cùng kỳ năm trước đó. Đối với khu vực miền nam, con số này là 28%. Theo số liệu của Maersk, số lượng các khách hàng tại Việt Nam đang có dấu hiệu tăng, song phần lớn lượng khách hàng này là do xu hướng dịch chuyển sản xuất ra từ Trung Quốc.
"Tình hình đại dịch hiện nay thậm chí có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển. Mặc dù công bằng mà nói, ngay cả khi không có ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam cũng đã có đủ lợi thế nhờ vị trí địa lý, độ tuổi lực lượng lao động, khả năng cạnh tranh về lương và nền chính trị ổn định", đại diện hãng Maersk nói thêm.
"Tất cả những yếu tố này đóng vai trò như một thỏi nam châm, thu hút đầu tư nước ngoài vào đất nước, cả với doanh nghiệp Trung Quốc hay doanh nghiệp nước ngoài có ý định dịch chuyển chuỗi sản xuất".
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức như thiếu năng lực vận chuyển container, khan hiếm diện tích cho vận tải hàng không. "Nhu cầu vận tải hành không từ Việt Nam đến các khu vực bên ngoài, đặc biệt là Bắc Mỹ vẫn không có dấu hiệu giảm, nhất là đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử và bán lẻ", ông Marco nhấn mạnh.
"Hơn nữa, lịch trình vào mùa hè vẫn chưa cố định, do hành khách vẫn liên tục hủy chuyến bay. Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc ước tính vẫn mạnh, khiến tình trạng thiếu kho bãi và giá cả tăng nhanh ngày càng nghiêm trọng hơn".
Tham khảo: The Loadstar
Hà TrầnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.