Hàng hiệu giả đang đổ về các tỉnh rất lớn!
Nhiều vụ bắt giữ đồng hồ, túi xách, giày dép, nước hoa... giả mạo, nhái hàng hiệu đã rộ lên gần đây.
Mới đây, cơ quan Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hậu Giang đã phá vỡ một vụ vận chuyển và kinh doanh các loại đồng hồ giả hiệu Rolex, Omega, Chanel.... đến 1.586 cái với tổng giá trị hơn 20 tỉ đồng.
Về công tác quản lý thị trường hàng hóa trên địa bàn, ông Phan Văn Chính, quyền Cục trưởng QLTT Hậu Giang đã chia sẻ về vấn đề này.
Phóng viên: Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua do tình hình dịch bệnh Covid-19 lan tràn nên thị trường hàng hóa có vẻ im ắng. Tuy nhiên, lực lượng QLTT lại lập một "chiến công" khá ấn tượng là bắt giữ lô "hàng hiệu" giả có giá trị hơn 20 tỉ đồng. Cụ thể việc này ra sao, thưa ông?
Ông Phan Văn Chính: Vụ việc diễn ra cũng nhiều ngày rồi.
Vào tháng 6/2020, căn cứ đề xuất kiểm tra, Đội QLTT số 2 đã xây dựng phương án và ban hành Quyết định kiểm tra phương tiện xe ô tô BKS 51G-615.71 đang dừng đỗ có dấu hiệu vi phạm do ông Chen FuQiang (tạm dịch: Trịnh Phú Cường), quốc tịch Trung Quốc là người điều khiển phương tiện cùng với phiên dịch viên là ông Huỳnh Hinh Hải, sinh năm 1993.
Kết quả Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ: 1.586 cái đồng hồ các loại chưa xuất trình được hồ sơ, hoá đơn, chứng từ hợp lệ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và phương tiện nêu trên. Đồng thời lấy mẫu đồng hồ trưng cầu giám định.
Kết quả trưng cầu giám định của Công ty TNHH Tư vấn Sở hữu Trí tuệ IPT, là đơn vị đại diện sở hữu công nghiệp theo uỷ quyền của các nhãn hiệu ROLEX SA, OMEGA SA, CHANEL tại Việt Nam thì trong tổng số 1.586 cái đồng hồ Đoàn kiểm tra tạm giữ, có 363 cái đồng hồ nhãn hiệu ROLEX, OMEGA, CHANEL là hàng giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam; giá trị hàng hoá vi phạm tương đương với hàng thật đang lưu hành tại thị trường Việt Nam tương đối lớn (trên 20 tỷ đồng).
Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp, Đội quản lý thị trường số 2 báo cáo, xin ý kiến và đã tiến hành chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an tỉnh Hậu Giang để điều tra, khởi tố vụ việc theo quy định.
Phóng viên: Xin ông cho biết thêm về công tác tổ chức kiểm tra chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái... thời gian qua, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành?
Ông Phan Văn Chính: Công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử thời gian qua vẫn tiến hành thường xuyên, song so với năm vừa qua đã có giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, QLTT tỉnh kiểm tra tổng cộng 129 vụ, giảm đến 36 vụ so với măm trước.
Riêng quý III, số vụ buôn lậu là 30 vụ bị phát hiện, bắt giữ, thu 1.739 gói thuốc lá lậu các loại. Hàng không rõ nguồn gốc, kiểm tra 01 vụ, phạt tiền là 64.000.000 đồng với hành vi vi phạm: không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành, kinh doanh mỹ phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm tổng trị giá ước là 172.725.000 đồng.
Đó là hoạt động bán hàng trên mạng xã hội Facebook do Đội QLTT số 1 đã xây dựng phương án, phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Hậu Giang, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh của bà Nguyễn Thị Hồng (phường 1, TP. Vị Thanh).
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại địa điểm trưng bày và lưu kho hàng hóa là mỹ phẩm và thuốc làm từ dược liệu chưa cung cấp được hồ sơ, giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Phóng viên: Trong những tháng cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn hẳn. Vậy, cơ quan QLTT đã có kế hoạch như thế nào để đảm bảo quản lý được thị trường ổn định và lành mạnh, thưa ông?
Ông Phan Văn Chính: Ngoài việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của Tổng cục QLTT và kế hoạch chung của tỉnh, ngành QLTT Hậu Giang sẽ đặc biệt chú trọng các công tác thanh, kiểm tra thị trường dịp Tết Trung thu, hỗ trợ các ban ngành trong công tác phòng chống dịch Covid-10, hỗ trợ thanh kiểm tra việc mua bán sim điện thoại trên thị trường....
Bên cạnh đó, các đội QLTT cũng tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý địa bàn; kiểm tra, kiểm soát và phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ATTP, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường trong các dịp lễ, tết từ nay đến cuối năm 2020 đến Tết Nguyên đán.
Kiểm tra, kiểm soát các hành vi thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, mặt hàng vật tư, thiết bị y tế bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng để phòng chống dịch.
Chúng tôi cũng chủ động phối hợp với cơ quan báo, đài tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động thương mại, phối hợp cơ quan truyền thông đưa tin kịp thời các vụ việc phát hiện, bắt giữ mới phát sinh, nổi cộm...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Hồng ÂnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.