Hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng ấn tượng
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn đạt gần 296 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tăng mạnh nhất là hàng container, khi khối lượng thông qua cảng biển đạt hơn 10 triệu Teus, tăng tới 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng hàng hóa container xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng hai con số với mức tăng lần lượt là 12% và 25%. Đây cũng là mức tăng cao kể từ khi nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hàng hải nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, những tháng đầu năm, một số khu vực cảng biển được đánh giá có sản lượng hàng hóa thông qua cao nhất bao gồm: khu vực Thái Bình tăng 105%, khu vực Đồng Tháp tăng 58%, khu vực Kiên Giang tăng 40%. Những khu vực cảng biển có sản lượng hàng container cao nhất, gồm: khu vực Quảng Nam tăng 106%, khu vực Mỹ Tho tăng 71%.
Các khu vực có hàng container xuất nhập khẩu tăng mạnh, gồm: khu vực TP. Hồ Chí Minh tăng hơn 16%, khu vực Vũng Tàu tăng 33%, khu vực Hải Phòng tăng hơn 20%.
Trao đổi với cơ quan báo chí, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, để giữ được nhịp tăng trưởng, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan chức năng, Cục Hàng hải Việt Nam liên tục có văn bản đốc thúc các doanh nghiệp cảng và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, các cảng vụ hàng hải được yêu cầu phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển kiểm soát, không để thuyền viên đi bờ, không để những người không có nhiệm vụ từ bờ lên tàu. Trường hợp thực sự cần thiết, thuyền viên đi bờ phải được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng hải VN, để hạn chế nguy cơ lây lan COVID-19 trong hoạt động tiếp nhận hàng hóa tại cảng biển, công tác triển khai thủ tục điện tử cũng đã được các cảng vụ, cảng biển ứng dụng triệt để. Hồ sơ tàu, thuyền, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên đều được cảng vụ hướng dẫn, cung cấp địa chỉ thư điện tử cụ thể để được giải quyết kịp thời.
Đối với các thủ tục hành chính chưa được thực hiện bằng phương thức điện tử, đơn vị yêu cầu hạn chế tối đa việc nộp hồ sơ trực tiếp, khuyến khích gửi thủ tục qua đường bưu chính và tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến hồ sơ qua Email, Zalo, Viber,…
Huyền Thương (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.