Hàng không 'cháy' vé dù các hãng liên tục thuê thêm tàu bay

Nhịp đập thị trường
11:06 AM 01/02/2024

Nhiều chặng bay dịp Tết Nguyên đán 2024 khan vé, các hãng bay đã tăng cường thêm chuyến, thuê thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Thời điểm cao điểm đặt vé máy bay Tết Nguyên đán, từ cuối tháng 12/2023 đến đầu tháng 1/2024 đã liên tục ghi nhận tình trạng ‘cháy vé’ và giá vé tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 ngày thường. Vé chuyến bay nội địa có mức giá đắt hơn gấp nhiều lần so với vé đi nước ngoài còn khiến nhiều người Việt lựa chọn chuyển hướng từ về quê, du lịch nội địa đến xuất ngoại du xuân.

Mới đây, Vietjet đã bổ sung 2 tàu bay để phục vụ cao điểm Tết Giáp Thìn. Như vậy, đến nay, hãng đã thuê thêm tổng cộng 6 tàu bay trong gần một tháng qua. Việc tăng thêm tàu bay bay giúp hãng tăng thêm gần 750 chuyến bay, tương đương khoảng 154.800 chỗ ngồi.

Tương tự, Vietnam Airlines thuê ướt (thuê cả máy bay và phi hành đoàn) thêm 4 máy bay A320. Theo đại diện Vietnam Airlines, các tàu bay này sẽ được thuê trong khoảng 1 tháng, có thể giúp hãng bổ sung thêm gần 1.000 chuyến bay trong dịp Tết. Ngay từ đầu tháng 1, Bamboo Airways cũng bổ sung vào đội bay thêm 2 tàu A320 qua hình thức này.

Hàng không 'cháy' vé dù các hãng liên tục thuê thêm tàu bay- Ảnh 1.

Các hãng hàng không đã tăng cường thuê thêm nhiều máy bay để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh minh hoạ: Internet

Dù các hãng tích cực bổ sung nguồn lực để tăng chuyến, nhiều chặng bay nội địa dịp cao điểm này vẫn đang "cháy vé". 

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam đến cuối tuần trước, một số chặng có tỷ lệ đặt chỗ gần 100% hoặc vượt cả 100% trong giai đoạn 6/2 đến 8/2 (tức 27 đến 29 Âm lịch) như Hà Nội - Điện Biên, TP HCM đi Buôn Ma Thuột, Huế, Quy Nhơn. Các đường bay từ TP HCM đi các tỉnh Pleiku, Thanh Hóa, Hải Phòng giai đoạn cao điểm trước Tết này cũng có tỷ lệ đặt chỗ trên 90%.

Giai đoạn sau Tết, các đường bay từ Buôn Ma Thuột, Pleiku, Quy Nhơn cũng đang có tỷ lệ mua vé trên 100% vào ngày 12,13/2 (tức mùng 3,4 Tết). Từ sau ngày 4 Tết đến ngày mùng 9, loạt đường bay từ miền Trung, Tây Nguyên trở về TP HCM cũng vẫn có tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Riêng chặng Đồng Hới (Quảng Bình) - TP HCM ghi nhận tỷ lệ mua vé lên tới gần 105,7%.

Giá vé ghi nhận tại một số ngày cao điểm trước kỳ nghỉ chính thức vẫn dao động ở mức cao đến rất cao. Điều đáng nói, các chuyến bay đêm cũng không hề rẻ hơn vé bay ngày. Theo đó, cặp vé khứ hồi của hãng Vietravel Airlines chặng TP.HCM - Hà Nội đi ngày 6/2, về 17/2 (ngày 27 và 8 Tết) có giá từ hơn 6,5 đến hơn 7,1 triệu đồng tùy chuyến; vé của Vietjet Air tất cả các chuyến gần 7 triệu đồng/khứ hồi.

Khảo sát giá vé máy bay khứ hồi cho chặng từ TP.HCM - Hà Nội ngày đi 8/2 - về ngày 14/2 (ngày 29 và 5 Tết) của Vietnam Airlines từ 8,5 - 9 triệu đồng/vé; Vietjet Air và Bamboo Airways 6 - 7 triệu đồng/vé; Vietravel Airlines là 5,5 triệu đồng/vé.

Đường bay TP.HCM - Hải Phòng, gần 7 triệu đồng/vé khứ hồi, riêng chặng từ TP.HCM đến Vân Đồn (Quảng Ninh) không có chuyến bay, chỉ còn một số chỗ của Vietnam Airlines ngày 6 - 10/2/2024 với giá từ 6,7 - 8,2 triệu đồng/vé.

Các chuyên gia phân tích, trong tất cả các dịch vụ, tác động của giá vé máy bay có ảnh hưởng rất lớn, chỉ một điều chỉnh nhỏ cũng có thể làm cho quyết định của du khách thay đổi tức thì. Trong suy nghĩ thường trực của nhiều người Việt, việc đi du lịch nước ngoài sang hơn trong nước. Đây là áp lực rất lớn với các doanh nghiệp lữ hành.

Do vậy, các hãng bay và ngành hàng không cần nghiên cứu giảm giá vé, nhất là không tăng vé dịp cao điểm, để du khách Việt ưu tiên lựa chọn tour trong nước.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.