Hàng loạt 'ông lớn' ngành xây dựng 'hụt hơi' quý III/2020

Doanh nghiệp - Doanh nhân
11:08 AM 03/11/2020

Những "ông lớn" trong ngành xây dựng như Coteccons, Ricons hay Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình dường như đang bị "đuối" khi liên tiếp báo lỗ trong quý III/2020.

Hàng loạt 'ông lớn' ngành xây dựng 'lao dốc' quý III/2020

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm thực sự khó khăn. Khó khăn thứ nhất là do Covid-19 khiến các công trường xây dưng phải dừng triển khai. Nhưng khó khăn lớn hơn nữa là xuất phát từ thực tiễn thị trường BĐS khi hàng trăm dự án bị ách tắc do các thủ tục liên quan đến pháp lý.

Nếu như năm 2019 số lượng dự án gối đầu các doanh nghiệp ngành xây dựng giảm 20-30% thì bước sang năm 2020, lượng công việc gối đầu giảm đến 50%. Nhiều doanh nghiệp xây dựng nhỏ không có việc làm, thậm chí doanh nghiệp lớn từng một thời có tên tuổi trên thị trường cũng đứng trước nguy cơ phá sản. Đây thực sự là điều báo động cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Ngay các "ông lớn" ngành xây dựng cũng liên tiếp "hụt hơi" qua BCTC quý III/2020 này.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính (BCTC) quý, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã chứng khoán: CTD – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đạt 2.775,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 88,7 tỷ đồng, lần lượt bằng 44,6% và 53,8% so với thực hiện quý III/2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện mạnh từ 4,1% lên 6,1%.

Hàng loạt 'ông lớn' ngành xây dựng 'hụt hơi' quý III/2020 - Ảnh 1.

Doanh nhân Việt Nam - Kênh tin tức đặc sắc hàng đầu về doanh nhân Việt NamThông tin nhanh, tin cậy nhất về Doanh nhân Việt Nam.doanhnhanvn.vnDoanh nhân Việt Nam - Kênh tin tức đặc sắc hàng đầu về doanh nhân Việt NamThông tin nhanh, tin cậy nhất về Doanh nhân Việt Nam.doanhnhanvn.vnDoanh nhân Việt Nam - Kênh tin tức đặc sắc hàng đầu về doanh nhân Việt NamThông tin nhanh, tin cậy nhất về Doanh nhân Việt Nam.doanhnhanvn.vn

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước về 168,1 tỷ đồng. Theo giải thích của doanh nghiệp, nguyên nhân là do chịu tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, nhiều dự án bất động sản giãn tiến độ xây dựng, dẫn đến doanh thu giảm và lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có khoản giảm trừ doanh thu 31,1 tỷ đồng của công trình đã quyết toán.

Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 32,6% và 15,5% so với thực hiện năm 2019.

Tính tới 30/09/2020, tổng tài sản của CTD giảm 13,2% về 14.056 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.453,8 tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.557,4 tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.457,8 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 628,9 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng tài sản.

Theo BCTC quý III/2020, hiện tại doanh nghiệp sở hữu 3.557,4 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, trong khi chỉ có 77,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương với giá trị tiền và đầu tư tài chính trên số lượng cổ phiếu lưu hành là 46.080 đồng/cổ phiếu.

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Ricons cũng vừa công bố BCTC hợp nhất Quý III/2020 với doanh thu đạt 1.978 tỷ đồng, tiếp tục giảm 24% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng vật liệu xây dựng giảm sâu đến 70%, doanh thu từ hợp đồng xây dựng giảm mạnh hơn 20%. Khấu trừ giá vốn, Công ty báo lãi gộp giảm từ 162 tỷ về 95 tỷ đồng. Đáng chú ý, biên lãi gộp của Ricons trong quý 3 cũng giảm đáng kể từ 6,2% (quý 3/2019) về mức 4,82%. Lợi nhuận sau thuế quý 3 theo đó còn 54,5 tỷ, giảm gần nửa so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Ricons ghi nhận doanh thu 4.723 tỷ, LNST gần 147 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và hơn 28% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Diễn biến kinh doanh sụt giảm diễn ra kể từ cao điểm xung đột tại Coteccons với nhóm Kusto. Theo đó, Công ty đã tuyên bố độc lập, thay đổi nhận diện thương hiệu và rời khỏi trụ sở của Coteccons Group. Trên BCTC hợp nhất quý III/2020, Công ty cũng đã "tất toán" hết các khoản phải thu đối với Coteccons và Unicons, tương ứng giá trị phải thu ngắn hạn giảm mạnh hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường mới đây, Ricons sẽ đổi tên từ CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons thành CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons Group), phát triển Ricons theo mô hình tập đoàn với mục tiêu trở thành nhà thầu xây dựng lớn thứ 3 ở Việt Nam.

Đến nay, đại diện Công ty cho biết đã gửi hồ sơ cho đơn vị tư vấn để hoàn tất các thủ tục và nộp hồ sơ lên HoSE, đang trong quá trình xem xét và chờ phê duyệt của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Dự báo, sớm nhất vào tháng 1/2021, chậm nhất quý 2/2021 Ricons sẽ chính thức niêm yết.

Theo BCTC hợp nhất quý III/2020 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) cho thấy doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn này đã giảm so với cùng kỳ.

Theo đó, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần quý III đạt 2.634 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ kéo lợi nhuận gộp công ty đi xuống 45% còn 149 tỷ đồng. Doanh thu tài chính đạt gần 18 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại với chi phí tài chính tăng nhẹ 8%, các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lí đều giảm mạnh. Kết quả, hoạt động kinh doanh trong quí III của Hòa Bình báo lỗ thuần 14,4 tỉ đồng trong khi cùng kì lãi 81 tỉ đồng.

Mặt khác, trong kỳ nhờ phát sinh khoản thu nhập khác đột biến, đây là khoản lãi từ mua rẻ gần 75 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế HBC cải thiện đáng kể với mức 53 tỷ đồng, cùng kỳ đạt 69 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, HBC đạt 8.044 tỷ doanh thu và 63 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 41% và 74% so với 9 tháng đầu năm ngoái. So với kế hoạch năm 2020 là 12.500 tỷ đồng doanh thu và 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hiện Xây dựng Hòa Bình đã thực hiện được tương ứng 64% chỉ tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tính đến thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản HBC đạt 15.304 tỷ đồng, giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giảm khoản phải thu ngắn hạn từ 11.788 tỷ đồng về 10.265 tỷ đồng do phải thu của khách hàng giảm 25% trong 9 tháng còn 5.367 tỷ đồng nhưng không có thuyết minh cụ thể.

Ngoài ra, công ty ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn khác 939 tỷ đồng. Công ty đang phải trích lập tổng cộng 396 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi.

Thuyết minh báo cáo tài chính của Xây dựng Hòa Bình cho biết không phát sinh nợ xấu trong kỳ. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán bán niên 2020 thì tổng nợ phải thu quá hạn của Tập đoàn tại ngày 30/6 là 2.151 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2019 và chiếm tới 20% tổng nợ phải thu ngắn hạn của Tập đoàn (10.611 tỷ đồng).

Hàng tồn kho công ty tăng mạnh 20% lên 2.594 tỷ đồng, phần lớn là phí sản suất kinh doanh dở dang (2.111 tỷ đồng), nguyên vật liệu xây dựng (237 tỷ đồng) và hàng hóa bất động sản (225 tỷ đồng).

Về nợ vay tài chính của doanh nghiệp giảm nhẹ so với đầu kỳ, từ 4.961 tỷ đồng còn 4.887 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ đi vay/tổng tài sản là 0,319 lần, tăng so với đầu kỳ là 0,297 lần. Tổng nợ đi vay đang gấp 1,17 lần vốn chủ sở hữu.

Thị trường BĐS sẽ tiếp tục còn khó khăn trong năm nay. Chính vì vậy ngành xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Các doanh nghiệp xây dựng cần tái cơ cấu và chuẩn bị các phương án tài chính để đối mặt với khó khăn ít nhất trong thời gian sắp tới.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn
Kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực Kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực

10 tháng năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,5%, xuất siêu đạt hơn 23 tỷ USD, lạm phát dần hạ nhiệt với CPI tăng 3,78%...