Hàng tỉ USD sắp được “rót” vào Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ
Loạt dự án trị giá khoảng 8 tỷ USD đầu tư vào Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sắp được ký kết, trao chứng nhận đầu tư.
Phát biểu tại buổi Họp báo giới thiệu về Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, hàng tỷ USD sẽ được đầu tư vào vùng này.
Hội nghị sẽ diễn ra ngày 5/2, tại tỉnh Bình Định, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, có khoảng 800 đại biểu tham dự. Tại hội nghị cũng sẽ diễn ra hoạt động xúc tiến đầu tư.
Cụ thể, Hội nghị sẽ ký kết 45 biên bản cam kết tài trợ với các đối tác, nhà tài trợ với tổng số vốn khoảng 1,7 tỷ USDvới 7 đối tác gồm: Ngân hàng châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) , Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Exim Bank), Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Số vốn này sẽ đầu tư vào việc phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu,... của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Bên cạnh đó, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký 5,6 tỷ USD, trao thoả thuận hợp tác đầu tư 5 dự án với số vốn khoảng 678 triệu USD.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, vừa qua, khu vực miền Trung đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành nơi phát triển khá năng động, đầu tàu quan trọng trong hợp tác và hội nhập quốc tế.
Số liệu cho thấy, kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020, cao hơn mức trung bình cả nước, quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả.
Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, với mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu,...
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); và vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.