Hàng Việt chiếm 60-96% trong hệ thống bán lẻ
Thời gian qua, dù chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại nhưng hàng Việt Nam vẫn giữ ưu thế trên thị trường, chiếm tỷ lệ từ 60%-96%.
Tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Winmart, Hapro… cho thấy hàng Việt chiếm tỷ lệ 90-95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C... hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60-96%. Tại kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng chiếm từ 60% trở lên.
Sản phẩm của doanh nghiệp đạt hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua chiếm 80%, có thương hiệu uy tín 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại 47% hay giá bán cạnh tranh 39%. Ngoài ra, có trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Đây là tín hiệu đáng mừng để doanh nghiệp nỗ lực hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như mong đợi của người tiêu dùng.
Trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt... Điều này cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà hiện tại, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.
Chia sẻ với báo chí, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận. Từ đó, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Đối với Hà Nội, Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng của thành phố. Cùng với việc nâng cao chất lượng hàng hoá, thời gian qua, Hà Nội còn liên tục mở rộng mạng lưới phân phối điểm bán hàng cố định, lưu động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi; giới thiệu và quảng bá sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn,… để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', mới đây, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn TP. Hà Nội. Đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng Việt.
Cùng đó, phối hợp xây dựng các chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để đưa hàng Việt chiếm thị phần tương xứng trong hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố.
Minh An (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.