Hành động bành trướng, áp đặt, cường quyền không thể dập tắt khát vọng hòa bình

Quốc tế
07:06 AM 09/05/2020

Những hành động bành trướng, áp đặt, cường quyền và chủ nghĩa quân phiệt không bao giờ có thể dập tắt khát vọng cháy bỏng của các dân tộc được sống trong hòa bình, tự do - những giá trị chung của nhân loại.

Ảnh: VGP/Hải Minh

Nhận lời mời của Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu, ngày 8/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Phiên họp trực tuyến Cấp cao của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc với chủ đề “75 năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai tại châu Âu – Bài học rút ra để ngăn ngừa thảm kịch trong tương lai, trách nhiệm của Hội đồng Bảo an”.

Phiên họp do Ngoại trưởng Estonia, nước Chủ tịch HĐBA trong tháng 5/2020, chủ trì cũng có sự tham dự và phát biểu của 48 Bộ trưởng Ngoại giao và nhiều đại diện các nước thành viên LHQ.

Diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai - cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, đây là dịp để HĐBA LHQ thảo luận và rút ra các bài học từ quá khứ, chỉ ra những thách thức về an ninh trong tương lai, đồng thời đánh giá về những mối đe dọa an ninh ở châu Âu và các khu vực khác.

Trong phát biểu, các nước đề cao vai trò của hệ thống đa phương với LHQ là trung tâm trong duy trì an ninh và hòa bình thế giới; khẳng định luật pháp quốc tế là công cụ thiết yếu điều chỉnh hành vi của các quốc gia để ngăn ngừa và xử lý xung đột; kêu gọi các quốc gia nêu cao tinh thần hợp tác, đối thoại, thúc đẩy hợp tác đa phương trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế để giữ gìn và thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định tuy Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945 nhưng xung đột vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi, chủ nghĩa thực dân, hành vi xâm lược vẫn tồn tại gây thương đau ở nhiều quốc gia, bản thân Việt Nam cũng trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tàn khốc mới tiến tới giải phóng thống nhất đất nước.

Phó Thủ tướng khẳng định cũng như các cuộc chiến tranh khác, Chiến tranh Thế giới thứ hai cho thấy những hành động bành trướng, áp đặt, cường quyền và chủ nghĩa quân phiệt không bao giờ có thể dập tắt khát vọng cháy bỏng của các dân tộc được sống trong hòa bình, tự do - những giá trị chung của nhân loại.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cùng với sự vận hành của hệ thống đa phương, việc thượng tôn pháp luật và tuân thủ Hiến chương LHQ, nhất là những nguyên tắc về độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình đã góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ngăn chặn một thảm họa chiến tranh thế giới trong 75 năm qua. Đây cũng là những nội dung được nhất trí trong Tuyên bố Chủ tịch về 75 năm Hiến chương LHQ của HĐBA do Việt Nam chủ trì thông qua vào tháng 1/2020 trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ.  

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ những mất mát đau thương và bày tỏ tri ân sự hy sinh của dân tộc các châu Âu, Á, Phi và nhất là của nhân dân Xô viết đã ngã xuống trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Hướng tới tương lai, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường đoàn kết, hợp tác ở cấp độ toàn cầu nhằm gìn giữ hòa bình và ổn định. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm thành công của các nước ASEAN và là nhân tố mà các tổ chức khu vực có thể tham gia, phát huy vai trò tích cực.

Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định khát vọng chung của nhân loại về hòa bình, tự do và công lý và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ chiến thắng mọi hành vi đối đầu, sử dụng vũ lực và tham vọng thống trị, bá quyền./.

Theo VGP News

Ý kiến của bạn
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.