HÀNH ĐỘNG ĐỂ HÚT FDI CHẤT LƯỢNG CAO: Dòng vốn tốt cần “đặc quyền” đủ tốt
Việc thành lập “Tổ công tác đặc biệt” để đón dòng vốn tốt này đây là việc thực sự cần thiết bởi cách lựa chọn các dự án FDI xưa nay không còn phù hợp.
LTS: Hậu COVID - 19, Việt Nam được đánh giá về cơ hội “hiếm có”, cho sự “chuyển biến ngoạn mục” trong thu hút nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cơ hội vàng đến từ tùy nơi, tùy lĩnh vực... và cũng cần có chọn lọc kỹ lưỡng.
FDI 5 tháng qua các năm. Nguồn: Bộ KH-ĐT
Dòng vốn đầu tư tốt có quyền được “đối xử” tốt. Việt Nam phải có quyết sách phù hợp, hành động thiết thực, vì vậy, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức đồng ý thành lập “Tổ công tác đặc biệt” để đón dòng vốn tốt này.
Theo Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần “tiến công, chủ động hơn”, để tranh thủ dòng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng. “Nếu cứ “bình bình”, theo cách làm cũ, trì trệ và không đổi mới thì khó thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
“Tổ công tác đặc biệt” cần gì?
Bình luận về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt, TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, đây là việc thực sự cần thiết bởi cách lựa chọn các dự án FDI xưa nay không còn phù hợp. Tổ công tác đặc biệt sẽ thay đổi cách lựa chọn để làm sao chỉ đón dòng vốn chất lượng cao.
Theo TS. Trần Đình Thiên, thách thức lớn bởi năng lực hấp thụ dòng vốn FDI theo đúng yêu cầu còn hạn chế, trong khi dòng vốn FDI chất lượng thấp sẵn sàng đổ vào Việt Nam lại rất lớn. Để vượt thách thức, đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi Tổ công tác đặc biệt vừa phải có năng lực, vừa phải có thẩm quyền. “Thành viên Tổ công tác phải là những người có tầm nhìn, năng lực, ra được quyết định hoặc ít nhất cũng ra được tiêu chuẩn để lựa chọn dự án. Đồng thời, phải có thẩm quyền. Những trói buộc về thể chế xưa nay vẫn nặng, nếu thành viên Tổ công tác đặc biệt mà không đủ thực quyền để xử lý nhằm đáp ứng nhu cầu về thời gian, tiến độ thì rất khó”, ông Thiên khẳng định.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Tổ công tác đặc biệt sẽ chủ động tìm nguồn vốn tốt, chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. “Nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt không phải ngồi yên chờ vốn chảy vào mà chủ động tìm được dòng vốn chất lượng, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, giúp Việt Nam phát triển khoa học và công nghệ. Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu về thể chế để tạo sức hấp dẫn, như một cái hub (trung tâm) để thu hút các doanh nghiệp đầu đàn trên thế giới về Việt Nam”, ông Lịch kỳ vọng.
Những nguyên tắc “tối huệ quốc”
Khi tham gia WTO, có một nguyên tắc “tối huệ quốc” mà các nước đều được thụ hưởng. “Đãi ngộ tối huệ quốc nói cách khác đó là "chế độ đối xử bình đẳng giữa những thực thể được ưu đãi" và trong trường hợp này, chúng ta phải có cách ứng xử mang tính chất “tối huệ quốc” để đảm bảo đón được dòng vốn FDI thực sự mang tính chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam phải lựa chọn, ưu tiên công nghệ cao, có chuyển giao, những gì có thể lan tỏa tới doanh nghiệp trong nước, tránh xa công nghệ lạc hậu, huỷ hoại môi trường. Chính phủ cần nhanh chóng thúc đẩy việc cải thiện hạ tầng đất đai, công nghệ, nhân lực. Các thủ tục đầu tư phải được đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép.
Song song với chính sách thu hút FDI, theo ông Toàn, cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp nội địa. Không thể ưu ái thu hút FDI mà quên nhà đầu tư trong nước.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ với nội dung chính là tập trung khởi động lại nền kinh tế, thu hút FDI được coi là một trong 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn hiện nay. Trong đó, tâm thế sẵn sàng đón sóng chuyển dịch vốn FDI trên thế giới được nhắc đến nhiều. Và điều đó không thể không xử lý bằng những hành động quyết liệt trong điều hành - Tổ công tác đặc biệt là trường hợp như vậy.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.