Tôi may mắn được gặp chị Nguyễn Hoàng Bảo Trân- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cách đây 5 năm về trước trong một lần liên hệ viết bài tại công đoàn cơ sở. Ấn tượng của tôi lúc đó là người chị với dáng người nhỏ nhắn, nụ cười đôn hậu lúc nào cũng thường trực trên môi gần gũi đến lạ thường.
"CẢ THANH XUÂN GẮN LIỀN VỚI CÔNG NHÂN, CÔNG ĐOÀN"
Chị kể, đến với công đoàn thực sự là một cái duyên và may mắn. Lúc đó, khi mới ra trường cũng là thời điểm tỉnh Bình Dương đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh công nghiệp, nên tỉnh có nhiều chính sách thu hút nhân tài. Chị Trân lại được học đúng ngành học mà tỉnh đang cần lại được đào tạo chính quy (lúc đó, cán bộ được đào tạo đại học chính quy rất ít), nên chị đã được nhận vào làm việc ở Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh.
Với một tỉnh Bình Dương đang trên đà phát triển, nhu cầu việc làm và thu hút lao động đã đặt ra những vấn đề bức thiết với tổ chức công đoàn trong tỉnh, chị Trân đã cùng nhiều cán bộ công đoàn không quản những khó khăn, xuống tận cơ sở tiếp xúc với người lao động, thấy được nhiều sự thiệt thòi mà người lao động phải chịu để từ đó có nhiều phương án đấu tranh, đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.
Có thể kể đến như những chương trình nổi bật như: chương trình phúc lợi đoàn viên, LĐLĐ tỉnh đã làm việc, thỏa thuận, ký hợp tác với 58 đơn vị cung cấp các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ ưu đãi cho người lao động với giá giảm từ 5 - 40% so với thị trường. Hàng năm, có khoảng hàng trăm ngàn đoàn viên, NLĐ được tiếp cận, thụ hưởng phúc lợi từ các chương trình đã được triển khai .
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động
Công đoàn tỉnh chăm lo đến từng bữa ăn ca của người lao động, chú trọng quan tâm đến những hoàn cảnh NLĐ khó khăn. Hơn 10 năm qua, những "Chuyến xe xuân nghĩa tình" nhằm trao tặng vé xe cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc và Tây Nguyên đang làm việc tại Bình Dương về quê đón Tết…đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đoàn viên, NLĐ.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cấp công đoàn tỉnh nắm chắc tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công nhân lao động. LĐLĐ tỉnh đã xin ý kiến và được sự thống nhất của TLĐLĐVN trích ngân sách công đoàn cho đoàn viên, NLĐ vay thông qua tổ chức tài chính vi mô CEP với lãi suất gần như bằng không để hỗ trợ NLĐ.
Hay như việc LĐLĐ tỉnh đã kêu gọi các đơn vị, tổ chức cá nhân chung tay hỗ trợ cho NLĐ đang làm việc tại Bình Dương có gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; vận động đóng góp ủng hộ chương trình “vắc xin cho công nhân”… Đối với chị Trân, những điều đã làm như thế vẫn chưa hết, chưa đủ bởi còn rất nhiều đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn cần được cả cộng đồng chung tay giúp đỡ. Chị nhớ có lần khi xuống thăm một công ty da giầy có hơn 10 ngàn lao động, trong đó có 30 công nhân bị bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo. Chứng kiến sự khó khăn của gia đình và sự tiều tụy của người bệnh, chị đã tự hỏi rẳng: Công đoàn cần phải làm gì? Tôi cần phải làm gì cho họ, để hỗ trợ họ một cách thiết thực hơn. Ngay sau đó, chị đề xuất được làm cuộc khảo sát ở 40 công ty có đông lao động. Qua khảo sát có 262 công nhân bị các bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo, với những nhóm bệnh phổ biến như: ung thư máu, ung thư tử cung, ung thư phổi, u não v.v...từ con số này tôi đã mạnh dạn tham mưu xây dựng đề án trình tỉnh ủy xin chủ trương cho thành lập Quỹ hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo. Cho đến nay, Quỹ đã được đi vào hoạt động và có 300 công nhân khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo ở các doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ từ nguồn quỹ ý nghĩa này của công đoàn.
HẠNH PHÚC CỦA ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ HẠNH PHÚC CỦA CHÍNH MÌNH
Hơn 20 năm làm công tác công đoàn, chị hiểu rằng làm cán bộ công đoàn khó lắm.
Ngoài trình độ hiểu biết và kỹ năng mềm cần có sự đam mê và bản lĩnh.
Để người cán bộ công đoàn thực sự là người đại diện cho người lao động thì trước tiên cán bộ công đoàn cần phải có tâm huyết với hoạt động công đoàn, bởi khi dấn thân vào hoạt động công đoàn thì sẽ gặp vô vàn những khó khăn, vất vả, nếu không tâm huyết thì sẽ khó có thể vượt qua và làm tốt công việc công đoàn.
Với một địa phương nhiều doanh nghiệp, đông lao động như Bình Dương đòi hỏi người cán bộ công đoàn phải nỗ lực rất lớn trong công việc cũng như trong tư duy, suy nghĩ mới đáp ứng kịp các nhu cầu của sự phát triển. Công việc phải đi nhiều, cả những ngày nghỉ cuối tuần cũng ít khi nào chị có thể dành thời gian trọn vẹn cho gia đình nhưng may mắn chị được sự ủng hộ, động viên, hỗ trợ của nội ngoại, từ người chồng luôn thấu hiểu, chia sẻ và những đứa con chăm ngoan, học giỏi và đó cũng là động lực để chị xông pha trong những hoạt động của công đoàn, chăm lo tốt hơn, làm được nhiều điều thiết thực hơn cho đoàn viên, người lao động.
Chị Trân có nói với tôi rằng: chị không biết những việc chị làm có to tát hay không nhưng lúc nào chị cũng tâm niệm phải làm hết sức mình bằng tất cả sự chân thật và tin yêu. Đối với chị, "cho yêu thương là nhận lại hạnh phúc"!
Điều mà chị Trân và những cán bộ công đoàn tỉnh Bình Dương đã làm cho đoàn viên, người lao động thực sự trân quý mà chỉ có thể cảm nhận hết bằng cả trái tim mình!
Nội dung và đồ họa: Trương Hưng