Hành trình để ẩm thực Việt được thế giới công nhận
Việc 103 nhà hàng, quán ăn được vinh danh với 4 hạng mục giải thưởng, trong đó có 4 nhà hàng được gắn sao Michelin đã chính thức mở ra kỷ nguyên mới của ẩm thực Việt Nam, tiệm cận dần đẳng cấp thế giới.
Từ những trải nghiệm hạng sang
Năm 2019, nhiều thực khách tới nhà hàng Pink Pearl tại JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay có cơ hội thưởng thức thực đơn cao cấp của đầu bếp 2 sao Michelin Ophélie Bares. Những măng tây trắng Landes, trứng cá Oscietre, nhum biển Nhật Bản, bò Wagyu cao cấp xuất hiện ở đây thậm chí còn hơn nhiều nhà hàng cao cấp ở nước Pháp.
Tháng 9/2022, đầu bếp nổi tiếng - đại sứ ẩm thực Ukraina Kovryzhenko Yurii cũng đã mang tới Hà Nội hương vị trứ danh từ "giỏ bánh mì châu Âu", trong đó có borsch, món súp củ cải mới được UNESCO công nhận "di sản văn hóa thế giới". Địa điểm mà vị đầu bếp này lựa chọn là một nhà hàng sang trọng xứng tầm thuộc khách sạn Capella Hanoi.
Những vị khách sành ăn bậc nhất cũng không thể bỏ qua cơ hội trải nghiệm ẩm thực tại không gian sang trọng của nhà hàng La Maison 1888 nằm trong khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula resort. Thưởng thức những món ăn do đích thân đầu bếp Michel Roux - người duy nhất trên thế giới sở hữu nhà hàng duy trì danh hiệu 3 sao Michelin trong khoảng thời gian kỷ lục - 27 năm - chế biến chắc chắn không thể là một trải nghiệm tầm thường. Kể từ khi được mời tới Việt Nam, Michel Roux đã đưa La Maison 1888 trở thành 1 trong 10 nhà hàng tốt nhất thế giới do CNN bình chọn, và dẫn đầu danh sách nhà hàng Fine Dining thế giới theo World Travel Awards.
Khi Sun Hospitality Group - thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group - khai trương nhà hàng Hibana by Koki cuối tháng 7/2022 tại khách sạn Capella Hanoi, thực khách có dịp trầm trồ trước tài nghệ của Junichi Yoshida - đầu bếp hạng sao Michelin với phong cách ẩm thực Teppanyaki độc đáo. Càng ngày, việc thưởng thức ẩm thực ở Việt Nam ngày một tinh tế và đẳng cấp hơn. Sự xuất hiện của những tên tuổi lớn trong làng ẩm thực với những thực đơn chỉn chu, chất lượng, đòi hỏi kỹ nghệ cao, cùng không gian đẳng cấp cho thấy Việt Nam không hề thiếu những không gian thưởng thức ẩm thực cao cấp, thậm chí xa xỉ.
Hibana by Koki, cùng với Ănăn Saigon, Gia và Tầm Vị vừa trở thành 4 nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam được Michelin trao tặng 1 sao danh giá trong lễ ra mắt Michelin Hà Nội và TP.HCM ngày 6/6 vừa qua, với sự đồng hành của đối tác điểm đến – Tập đoàn Sun Group.
Đến câu chuyện nâng tầm thương hiệu ẩm thực Việt
Trong danh sách 29 Nhà hàng Bib Gourmand (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng) và 70 Nhà hàng Michelin Selected (nhà hàng do Michelin Guide đề xuất), ta thấy những cái tên nhà hàng bình dân với những món ăn đã quá quen thuộc với người Việt và du khách như phở, xôi, bún chả, cơm tấm, ốc… Điều đó cho thấy sự đa dạng, phong phú của ẩm thực Việt đã chinh phục các chuyên gia khó tính của Michelin.
Dựa trên 5 nguyên tắc: Chất lượng của nguyên liệu sử dụng; Kỹ thuật nấu điêu luyện; Sự hài hoà trong hương vị; Thể hiện được cá tính độc nhất vô nhị của đầu bếp và Chất lượng ổn định theo thời gian của các món ăn, Michelin rất quan tâm đến chất lượng phục vụ và sẵn sàng loại trừ những nhà hàng không có cách phục vụ tốt, cho dù món ăn có ngon đến thế nào. Đây là động lực để các nhà hàng Việt không ngừng nỗ lực hướng đến mục tiêu giành sao Michelin cũng như giữ vững ngôi sao danh giá này.
Với uy tín, sức ảnh hưởng đã được chứng minh, Michelin Guide đã trở thành niềm tự hào và khát khao của không chỉ của các nhà hàng, đầu bếp, mà cao hơn nữa là của các quốc gia. Bếp trưởng Hoàng Tùng, ông chủ chuỗi nhà hàng cao cấp T.U.N.G dining cho rằng: "Đối với ẩm thực cao cấp, việc hướng đến các giải thưởng, bảng xếp hạng quốc tế uy tín như Bocuse d’Or, sao Michelin, danh sách The World’s 50 Best... là yêu cầu thiết yếu để xác lập giá trị".
Theo ông Tùng, "món ăn Việt Nam từ hai thập kỷ nay rất nổi tiếng và được đánh giá cao về sự đa dạng, về hương vị cũng như về những nét đặc trưng bản địa. Nhưng nền ẩm thực Việt chưa hề có một thương hiệu toàn cầu, và đặc biệt ẩm thực cao cấp vẫn chưa nói chung một ngôn ngữ với ẩm thực quốc tế". Do đó, việc hiện diện của Michelin Guide ở Việt Nam, giống như một cơ hội để "tiếng chuông" ẩm thực Việt Nam ngày càng vang xa hơn.
Vinh dự được chế biến món ăn cho 21 nguyên thủ quốc gia trên thế giới tại APEC 2017 diễn ra ở InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ, ẩm thực Việt truyền thống có thể thuyết phục nhiều thực khách, kể cả các thực khách khó tính bậc nhất. Với việc ra mắt Michelin Việt Nam, Nghệ nhân Ánh Tuyết cũng cho rằng, ẩm thực Việt Nam đã "có danh có phận" trên bản đồ ẩm thực thế giới. Người Việt có quyền tự hào, ngẩng cao đầu sánh vai với nền ẩm thực các nước toàn cầu.
"Lần đầu tiên một tập đoàn tư nhân đã đưa Michelin về Việt Nam, đó là đóng góp lớn cho quốc gia. Điều này chứng tỏ cái tâm và cái tầm của Sun Group, tỏ rõ lòng yêu nước và khát vọng vinh danh ẩm thực Việt, đưa tinh hoa ẩm thực Việt tới khắp thế giới, nâng tầm vị thế Việt Nam trên thế giới ".
Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh - Tổng giám đốc Sun Hospitality Group (thương hiệu Du lịch nghỉ dưỡng thuộc Tập đoàn Sun Group) nhận định: "Dấu mốc lịch sử này chỉ vừa mới được thiết lập và hành trình tiếp theo, để Việt Nam có thêm nhiều hơn nữa những giải thưởng Michelin trong tương lai, sẽ cần rất nhiều cố gắng. Nhưng với sự có mặt của Michelin Guide, sự nỗ lực của các đầu bếp và những người làm trong ngành ẩm thực khắp Việt Nam, chúng tôi tin rằng, sẽ rất sớm thôi, Việt Nam sẽ là một điểm đến ẩm thực đẳng cấp mà mọi du khách quốc tế cần phải ghé đến một lần trong đời".
Với danh sách Michelin Hà Nội và TP.HCM đầu tiên được công bố, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở, để tin tưởng vào một bức tranh tươi sáng của sự tăng trưởng và vị thế vượt trội không chỉ của ngành ẩm thực, mà của cả ngành du lịch nước nhà trên trường quốc tế.
PVSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.