Hành trình đưa xuất khẩu Việt Nam theo hướng bền vững
Ngành gỗ, dệt may, thực phẩm… đang từng bước xuất khẩu dưới thương hiệu của riêng mình, thay vì gia công như trước đây. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả, cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật.
Những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương.
Có thể kể đến Công ty CP Gỗ An Cường, hiện nay doanh nghiệp (DN) không làm gia công mà xuất khẩu dưới thương hiệu của mình. Nếu như trước đây làm gia công, DN chỉ thu về lợi nhuận 2-3% trong tổng giá trị đơn hàng, nay tăng lên 8-10%.
Tương tự trong ngành dệt may, May 10 đã thay đổi thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng nội địa từ những năm 1992, thông qua việc xây dựng 2 thương hiệu thời trang DeTHEIA (nữ giới) và Generos (giới trẻ).
Hay như một số sản phẩm "Made in Việt Nam" đã thành công đi ra nước ngoài bằng thương hiệu riêng như Cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, thanh long Hoàng Hậu, Cơm Việt Nam rice,... mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hoá mang thương hiệu riêng ra thị trường thế giới.
Đây là những kết quả tích cực, có sức lan toả đối với các thị trường tiềm năng, qua đó, tạo động lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gia tăng thị trường hoặc giá trị thương hiệu ở những thị trường truyền thống, đồng thời tiếp cận và thâm nhập vào các thị trường mới.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu bằng thương hiệu riêng vẫn chưa nhiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và xuất khẩu dưới hình thức thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng nguyên thô, dạng nguyên liệu đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Vì vậy, giá trị gia tăng cũng như hoạt động xuất khẩu bằng thương hiệu riêng của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Thực tế bên cạnh những điểm tích cực, tín hiệu vui, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao, mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu.
Điều này dẫn tới nhiều sản phẩm xuất khẩu chưa được gắn với thương hiệu mà hầu hết chỉ chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm mới qua sơ chế. Do đó, khi xuất khẩu, sản phẩm Việt phải đứng dưới tên một thương hiệu của quốc gia khác.
Vì vậy, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả thì cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật. Thương hiệu phải gắn với sự khác biệt.
Theo các chuyên gia, muốn xây dựng thương hiệu phải tạo ra sự khác biệt và phải là người dẫn đầu xu hướng. Tuy nhiên, DN đầu tư 100 tỷ đồng cho một thương hiệu phải tính tới bài toán phát triển về lâu dài chứ không thể thu về ngay.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên Đại học Thương mại, nhấn mạnh: đừng nghĩ thương hiệu là khoản đầu tư sẽ sớm thu hồi. Thương hiệu không thể sờ, nhìn thấy mà cần chứng minh bằng giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự hỗ trợ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Để có thể xuất khẩu bằng thương hiệu riêng, các doanh nghiệp này đã chuẩn bị đầu tư bài bản, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường, cũng xây dựng vùng trồng nguyên liệu bền vững... Ngược lại, việc xuất khẩu những lô hàng với thương hiệu riêng là những tín hiệu khả quan trong hành trình đưa xuất khẩu Việt Nam theo hướng bền vững, khẳng định vị thế của các thương hiệu Việt Nam tại các thị trường quốc tế.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.