Hành trình và vị thế dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa
Không ồn ào, không phô trương, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 là một hành trình đẫm mồ hôi và lòng tin sâu sắc của người dân nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách kịp thời của Nhà nước và sự đồng lòng, góp sức của người dân; vì thế Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Từ những bản vùng cao đến vùng đồng bằng, đâu đâu diện mạo nông thôn mới cũng đổi thay rõ nét, đưa Thanh Hóa trở thành một trong số địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Những thay đổi diệu kỳ

Trang trại trồng bưởi hữu cơ của ông Vũ Văn Chiến đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Giai đoạn 2021-2025, giữa bối cảnh đầy thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, kinh tế-xã hội biến động, nhưng Thanh Hóa vẫn kiên cường giữ vững nhịp bước xây dựng nông thôn mới. Điều kỳ diệu ấy không nằm ở những con số khô khan, mà luôn bắt đầu từ trái tim đồng thuận của hàng triệu người dân trên vùng đất xứ Thanh.
Câu chuyện đổi thay ở bản Lách, một vùng biên giới xa xôi thuộc xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), là một ví dụ; nơi từng được xem là "vùng lõm" trong phát triển hạ tầng và đời sống người dân, giờ đây đang từng bước thay da đổi thịt, khoác lên mình tấm áo mới. Nó không chỉ là hình ảnh thu nhỏ của quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa,… mà còn là một minh chứng cho hành trình vươn lên mạnh mẽ của cả tỉnh Thanh Hóa trong hành trình xây dựng nông thôn mới hôm qua, hôm nay và mai sau…
Trở lại mười năm trước, con đường dẫn vào bản Lách ngoằn nghèo, lởm chởm đá tai mèo, mùa mưa thì sình lầy, mùa khô thì bụi mù. Thế nhưng giờ đây, giữa vùng núi cao rừng sâu, bản Lách đã có đường bê tông phẳng phiu, điện thắp sáng đến từng nhà, từng ngõ, nhà xây kiên cố mọc lên, trẻ em được học trong những lớp học khang trang, người dân chủ động trồng trọt, chăn nuôi, và có thu nhập ổn định.
Đi đến đâu, trên khắp các nẻo đường quê Thanh Hoá, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh người nông dân tự tay phá bỏ tường rào, chặt cây bóng mát, hiến đất làm đường giờ đây không còn là câu chuyện xa lạ. Theo thống kê, năm 2024, người dân toàn tỉnh đã hiến gần 480.000 m2 đất, nâng tổng diện tích hiến đất giai đoạn 2021-2024 lên hơn 1,9 triệu m2.
Cùng với đó là hơn 700 ngôi nhà dân cư được dỡ bỏ, hàng trăm tỷ đồng tiền mặt và hơn 870 nghìn ngày công lao động đóng góp của người dân…
Tất cả đến từ niềm tin

Trang trại gà được chứng nhận an toàn dịch bệnh của Công ty CP 3F Việt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, quy mô 20 dãy chuồng, công suất 2,4 triệu con một năm. Ảnh: Quốc Toản
Lạ thay, không ai bắt buộc, không có chế tài hành chính. Tất cả đến từ niềm tin vào tương lai tươi sáng, từ mong muốn được sống trong một làng quê khang trang, sạch đẹp, văn minh. Chính sự chủ động, tự nguyện ấy đã thắp sáng phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" một cách tự nhiên, bền vững và sâu rộng.
Một dấu ấn quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã, từ xã đến thôn, bản; không dừng lại ở đạt chuẩn mà nâng lên chuẩn cao hơn: Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi địa phương đều có cách làm riêng, đầy sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tiễn của mình. Vì thế, từ đồng bằng đến miền núi, từ vùng biển đến vùng sâu vùng xa, diện mạo nông thôn mới Thanh hóa đã thực sự chuyển mình.
Bài học ở đây được rút ra là: Căn cứ vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được Trung ương giao, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trực tiếp Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị thực hiện. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, qua đó nâng cao nhận thức về trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện chương trình. Các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân được hỗ trợ, đã tạo động lực quan trọng khuyến khích các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở một tâm thế mới - tâm thế của niềm tin và chiến thắng.
Trong khí đó, yêu cầu của Bộ tiêu chí Nông thôn mới cao hơn rất nhiều cả về số lượng nội dung và cả độ đạt chuẩn so với giai đoạn trước. Song dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, sự nỗ lực của các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của các ban, bộ, ngành và sự hợp tác, chia sẻ của các tỉnh, thành, chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
Số lượng nông thôn mới nâng cao đạt và vượt 150% kế hoạch; số lượng sản phẩm OCOP đạt và vượt 130% kế hoạch. Số lượng đạt chuẩn của tỉnh thuộc top đầu cả nước. Nhiều mô hình kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới được Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội triển khai và nhân rộng.
Chất lượng của các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được nâng lên. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã góp phần tạo dựng nên những miền quê giàu bản sắc văn hóa và đáng sống.

Nhiều sản phẩm OCOP đang vươn ra khắp cả nước và quốc tế nhờ biết phát huy những lợi thế là yếu tố bản địa, đặc trưng.
Tính đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 374/499 xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM; 4 huyện, 125 xã, 831 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 33 xã, 629 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, Mường Lát, một trong những huyện nghèo nhất cả nước, từng "trắng xã nông thôn mới" đến nay cũng đã có những chuyển động tích cực nhờ chính sách đặc thù, sự quan tâm sát sao của tỉnh và cả những quyết tâm rất lớn từ người dân.
Nhiều mô hình khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, hàng cây thanh niên, cột điện nở hoa, nhà sạch- vườn mẫu… đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở nhiều làng quê trong tỉnh; những tuyến đường hoa, con đường bích họa không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn thay đổi thói quen, lối sống, tư duy của người dân về môi trường sống văn hóa công cộng.
Hành trình xây dựng nông thôn mới thành công ở Thanh Hóa một lần nữa khẳng định: Không chỉ dừng lại sự vào cuộc của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa là kết quả của sự lãnh đạo quyết liệt, đồng bộ từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND đến các sở, ngành, địa phương. Trong đó, công tác ban hành cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn được thực hiện kịp thời, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để triển khai chương trình đạt hiệu quả cao.
Tại hội nghị tổng kết ngày 11/6, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: "Xây dựng nông thôn mới không phải là nhiệm vụ ngắn hạn, mà là hành trình lâu dài để nâng cao chất lượng sống, để mỗi người dân được sống tốt hơn, bền vững hơn trên chính mảnh đất của mình".
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Giai đoạn tới Thanh Hóa cần chuyển hướng từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng. Việc duy trì và phát huy các tiêu chí sau đạt chuẩn là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân, vai trò đồng hành của doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển du lịch nông thôn, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp thông minh.
Với phương châm "Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", Thanh Hóa xác định tiếp tục rà soát quy hoạch, đầu tư đồng bộ, thu hút nguồn lực xã hội hóa và củng cố bộ máy chính quyền cơ sở sau khi thành lập mới phải xây dựng lộ trình phát triển rõ ràng, gắn với việc nâng chất tiêu chí, tạo ra giá trị thực tiễn và bền vững.
Hơn cả một chương trình phát triển nông thôn, nông thôn mới ở Thanh Hóa giờ đây đã và đang là một phong trào văn hóa, xã hội sâu rộng, một chiến lược của tinh thần tự lực và khát vọng đi lên.
Triều Nguyệt
Kỳ họp thứ 25 HĐND TP. Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/7/2025; kỳ họp dành 1/2 ngày (ngày 10/7) để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và những vấn đề bức xúc mà Đại biểu HĐND thành phố và cử tri Thủ đô quan tâm.