Hấp dẫn hội chùa ở Bắc Giang

Địa phương
10:02 AM 27/03/2023

Dân gian có câu: “Ăn Bắc mặc Kinh”. Nằm trong vùng Kinh Bắc trước đây, Bắc Giang vốn là một vùng nông nghiệp điển hình, có nền kinh tế, văn hoá phát triển, đời sống người dân tương đối phong lưu. Đó là thực tế và cũng là cơ sở lý giải vì sao lễ hội Bắc Giang xuất hiện và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử. Trong đó, hội chùa là một điểm nhấn, hấp dẫn du khách thập phương.

Cùng với sự du nhập văn hoá phương Bắc, Phật giáo Việt Nam ngày càng phồn thịnh. Phật giáo đã thay thế hoặc dung hoá hạt nhân tín ngưỡng của hội làng, từ đó hội chùa xuất hiện.

Chùa là nơi thờ Phật và cũng là nơi diễn ra lễ hội của toàn dân. Những hội chùa nổi tiếng ở Bắc Giang là hội chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, Việt Yên), hội chùa Đức La (xã Trí Yên, Yên Dũng)...

Hội chùa Bổ Đà xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên

Chùa Bổ Đà xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên là một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bắc Giang, vốn thuộc dòng Lâm Tế, sau thuộc Thiền phái Trúc Lâm hay Trúc Lâm tam tổ.

HỘI CHÙA Ở BẮC GIANG - Ảnh 1.

Tiết mục văn nghệ khai mạc Lễ hội chùa Bổ Đà (Ảnh bacgiang.gov.vn)

Tương truyền, chùa Bổ Đà có từ thời Lý (thế kỷ XI), được tu bổ, tôn tạo lớn vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729) và các giai đoạn sau này. Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. 

Qua nhiều thế kỷ, chùa Bổ Đà đã được trùng tu nhiều lần, song cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ từ tường đất, vườn tháp đến kiến trúc gỗ truyền thống mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau trải dài từ thế kỷ XVIII đến nay.

Lễ hội chính được tổ chức vào ngày 17, 18 tháng hai âm lịch, là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Du khách nườm nượp đổ về đây dự hội.

Từ đáy lòng mọi người đều hướng về điều thiện, cầu mong mọi sự tốt lành đến với gia đình, dòng tộc.  Trên sân chùa, các đoàn hát, gánh hát biểu diễn liên tục suốt mấy ngày đêm. Rồi những màn hát quan họ, cảnh mời trầu, mời nước của các liền anh, liền chị làm cho ngày hội thêm nhộn nhịp, tươi vui.

Cùng với những buổi tế lễ trang nghiêm, thành kính, hội chùa Bổ Đà còn diễn ra một số trò chơi dân tộc như đấu vật, chọi gà, cướp cầu, đu,... làm cho không khí thêm sống động.

Hội chùa La xã Trí Yên, huyện Yên Dũng

Hội chùa La còn gọi là chùa Đức La, hay Vĩnh Nghiêm tự ở thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng cũng là một lễ hội điển hình của tỉnh Bắc Giang.

Chùa Đức La là nơi ba vị "Trúc Lâm tam tổ" từng trụ trì và mở trường thuyết pháp, bởi vậy trong chùa cũng có tượng thờ của ba vị tổ này.

Lễ hội chùa La được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm. Các sư gọi ngày này là lễ giỗ Tổ. Lễ hội chùa La do các tăng sư trụ trì ở chùa phối hợp chặt chẽ với UBND xã Trí Yên đứng ra tổ chức. Trước thời gian lễ hội khoảng một tháng, các sư trụ trì ở chùa và chính quyền UBND xã họp bàn, thành lập ra một ban tổ chức để lo liệu. Trong từng làng cụ thể lại có những tiểu ban do làng bầu ra để lo công việc của làng mà nhà chùa phân công. Những ban của làng thường do Trưởng thôn làm Trưởng ban. Thành viên trong ban là các đoàn thể như: Hội Mặt trận, Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

Đến giờ quy định, các đám rước của các làng La Thượng, La Trung, La Hạ được khởi hành từ trung tâm làng tiến về chùa. Đi đầu là đội múa kỳ lân. Sau đoàn kỳ lân là đoàn rước của làng La Thượng, tiếp đến La Trung, sau cùng là La Hạ. Dưới sự điều hành của ban tổ chức lễ hội, khi ba đám rước về đến trước cửa chùa thì dừng lại để ổn định trật tự đội hình.

HỘI CHÙA Ở BẮC GIANG - Ảnh 2.

Màn rước kiệu của thôn La Hạ (Ảnh: mybacgiang.vn)

Tiếp theo phần lễ là phần hội, kể cả xưa và nay gồm rất nhiều trò chơi có tính chất văn hóa, thể thao dân gian bổ ích, hấp dẫn, thể hiện tinh thần thượng võ như: Đánh đu, kéo co, vật dân tộc, đập niêu, bịt mắt bắt dê,… Trong khu vực nội tự, các cụ bà tổ chức các trò nhà Phật.

Trong ngày hội, các tăng ni ở chùa thắp hương, tụng kinh, niệm Phật ở Tam Bảo, nhà tổ đệ nhất và nhà tổ đệ nhị. Đồng thời cũng thỉnh chuông Hoằng Dương Phật Pháp vào lúc sớm, tối trong ngày.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày hội là khách thập phương từ khắp các nẻo đường lại tấp nập kéo về chùa. Khách trảy hội chùa La hầu hết là các già, các vãi và thanh niên nam nữ. Hàng quán được mở tạm dọc theo đường từ Tam quan đến nhà Tiền đường. Trong khu vực nội tự, không có hàng quán nhưng đông đặc các đoàn dâng hương, hành lễ, đồng thời có các đội văn nghệ diễn tích nhà Phật hấp dẫn nhiều người xem.

PV
Ý kiến của bạn