Hậu COVID-19 đã tạo nên xu hướng mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam

Kinh doanh
03:40 PM 12/11/2021

Nếu như trong giai đoạn dịch COVID-19 chứng kiến sự "bùng nổ" của kênh trực tuyến (online) thì hậu dịch, sự "thèm khát" được trải nghiệm mua sắm trực tiếp (offline) sau thời gian bị "đè nén" lại lên ngôi, tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường.

"Đòn bẩy" thúc đẩy hồi phục thị trường bán lẻ từ tiêu dùng đa kênh

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), số người chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng nhanh trong nửa đầu năm 2021 do các hoạt động giãn cách và hạn chế tiếp xúc trong dịch.

Tuy nhiên, có một thực tế được giới chuyên gia và cả người tiêu dùng không thể phủ nhận, các kênh bán hàng trực tuyến dù có nhiều ưu thế nhưng vẫn không thể thay thế thói quen mua sắm trực tiếp của người tiêu dùng. Với những ưu thế nổi trội từ trải nghiệm sản phẩm "thực", dịch vụ "thực" đến chủ động thời gian mua, nhận hàng, mua sắm truyền thống vẫn luôn được người tiêu dùng ưu tiên tiếp cận.

Hậu COVID-19 đã tạo nên xu hướng mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam - Ảnh 1.

Mặc dù TMĐT phát triển nhưng khách hàng vẫn ưu tiên trải nghiệm tại cửa hàng (Ảnh: Dân trí)

Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết bán hàng truyền thống (trực tiếp) vẫn là kênh vượt trội về doanh thu, do trải nghiệm sản phẩm thật bằng cảm quan như sờ nắn, ngửi, thậm chí nếm, dùng thử… không thể thay thế bằng online. Số liệu từ Bộ Công thương tổng kết năm 2020 cũng cho thấy, doanh thu từ TMĐT chỉ chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong khi đó, đại diện Kantar Worldpanel cho biết, kênh thương mại điện tử mặc dù tăng trưởng ấn tượng 91% nhưng chỉ chiếm 2,3% thị phần đối với toàn ngành hàng FMCG (tiêu dùng nhanh).

Từ phía người tiêu dùng, phần lớn khách hàng cho biết, thói quen mua sắm online tập trung vào các sản phẩm riêng lẻ, có giá trị nhỏ hoặc sản phẩm họ đã tiêu dùng từ trước. Còn đối với các sản phẩm có kết cấu phức tạp, cần dùng thử để tự trải nghiệm hoặc sản phẩm có giá trị cao thì họ sẽ đến mua trực tiếp rồi mang về hoặc đặt giao tận nhà. 

Theo đó, đến nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường đã và đang nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh. Theo một nghiên cứu của CBRE Việt Nam, đông đảo doanh nghiệp đang dần áp dụng song song hai hình thức phân phối: từ online sang offline và từ offline sang online nhằm tăng cường điểm chạm dành cho khách hàng và tăng tỉ lệ quyết định mua sắm.

Điểm tựa đáng tin từ trung tâm thương mại "all-in-one"

Từ những cuộc "mua sắm trả thù" thời kỳ hậu giãn cách, dễ nhận thấy xu hướng mua sắm mới mà người tiêu dùng đang "theo đuổi". Các khách hàng thế hệ "bình thường mới" đang có xu hướng hạn chế di chuyển tới nhiều địa điểm công cộng, mà lựa chọn các điểm đến đáp ứng được đa dạng nhu cầu, tiện nghi và an toàn.

Về mặt kinh doanh, các doanh nghiệp bán lẻ trong TTTM lại được hưởng lợi ích "cộng sinh" với nhiều thương hiệu ngành khác, tiếp cận được lượng khách hàng ổn định và lâu dài. Việc tích hợp tất cả các nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí tại một điểm đã giúp các TTTM "all-in-one" giữ vững vị thế là điểm đến hàng đầu của khách hàng ở mọi thời điểm.

Hậu COVID-19 đã tạo nên xu hướng mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam - Ảnh 2.

Các TTTM khẳng định ưu thế trên thị trường, trở thành "top-of-mind" của khách hàng (Ảnh: Dân trí)

Nghiên cứu của Công ty kiểm toán Deloitte cũng chỉ ra, ưu tiên hàng đầu của khách hàng Việt Nam đặt ra là trải nghiệm mua sắm khác biệt. Không chỉ chú trọng nhu cầu về sự thoải mái, tiện nghi, khách hàng còn mong đợi các trải nghiệm mang tính cá nhân hóa tại cửa hàng. Đó là yêu cầu chỉ những TTTM lớn mới có khả năng đáp ứng.

Bên cạnh đó, để đáp ứng kỳ vọng ngày một cao của người tiêu dùng, một số TTTM lớn tại Việt Nam còn tích hợp công nghệ thông minh, mang lại những trải nghiệm mua sắm tiện nghi, vượt trội hơn cho khách hàng và hiệu quả kinh doanh tích cực hơn cho thị trường bán lẻ.

Đây là lý do hàng loạt thương hiệu quốc tế lớn như H&M, Uniqlo, Fila, Decathlon, Haidilao Hot Pot, The Bodyshop… vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các TTTM lớn như hệ thống Vincom tại Hà Nội, TPHCM và một số thành phố đô thị loại I ngay trong thời điểm thị trường vừa khởi động lại. Đây cũng là chiến lược kinh doanh của nhiều thương hiệu quốc tế và nội địa khác để đón đầu xu hướng người tiêu dùng, nắm chắc lợi thế trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường.

Có thể thấy, bán lẻ trực tiếp vẫn là điểm chạm "vô giá" tới người tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế cũng cho biết, tương lai ngành bán lẻ vẫn phụ thuộc vào các điểm bán truyền thống, trong đó TTTM "all-in-one" sẽ trở thành xu hướng bán lẻ hiện đại thu hút các thương hiệu trong và ngoài nước, trở điểm đến "top-of-mind" của người tiêu dùng. 

HM (T/h)
Ý kiến của bạn