Hậu Giang: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người năm 2025
Sáng 15/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng công tác truyền thông về quyền con người năm 2025 cho các Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện; Các cơ quan thông tấn báo chí và đại diện Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh lớp tập huấn bồi dưỡng công tác truyền thông về quyền con người năm 2025
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang Lê Minh Tuấn cho rằng, lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người năm 2025 là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh đối với công tác thông tin, tuyên truyền về bảo đảm và phát huy quyền con người trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu được triển khai các nội dung của Đề án truyền thông về quyền con người theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tình hình công tác nhân quyền và một số định hướng công tác tuyên truyền về quyền con người trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang Lê Minh Tuấn phát biểu khai mạc buổi tập huấn
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác đảm bảo và thúc đẩy quyền con người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền con người là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước những thách thức từ các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tại Hậu Giang, cùng với sự vào cuộc của các ngành các cấp, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo đảm và phát huy quyền con người.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác này vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là vai trò quan trọng của công tác truyền thông.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết, lớp tập huấn tập trung vào 5 nội dung trọng tâm: Quán triệt một số nội dung chính của Đề án truyền thông về quyền con người nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Đề án đặt ra, từ đó vận dụng linh hoạt vào thực tế hoạt động tại cơ sở.

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn
Cập nhật tình hình công tác nhân quyền hiện nay và định hướng công tác trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy hợp tác đa phương và song phương về nhân quyền, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc.
Nâng cao nhận thức về vai trò của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, cán bộ truyền thông, biên tập viên, phóng viên trong công tác truyền thông chính sách về quyền con người. Truyền thông phải là cầu nối giữa chính sách và nhân dân, bảo đảm đúng định hướng, khách quan, kịp thời.
Tìm hiểu cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại định kỳ, từ đó giúp đội ngũ truyền thông chủ động hơn trong tiếp cận thông tin chính thống, phòng ngừa hiệu quả các tin giả, thông tin sai lệch.

PGS.TS. Thiếu tướng Cao Anh Dũng - Giám đốc học viện Quốc tế, Bộ Công an quán triệt một số nội dung chính của Đề án truyền thông về quyền con người theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại buổi tập huấn
Trang bị kỹ năng viết bài tuyên truyền về công tác quyền con người, với tinh thần đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn cụ thể.
Thông qua tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho cán bộ, công chức phụ trách của các cơ quan, đơn vị. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của xã hội về các quyền con người, giúp người dân hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Văn Dương
Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 4/2025, tỷ lệ bay đúng giờ toàn ngành đạt 57,5%, thấp nhất từ đầu năm.