Hậu Giang: Bức tranh công thương đã sáng dần lên!
Nửa đầu năm 2022, Hậu Giang đã vượt qua đại dịch COVID-19, tăng tốc phát triển kinh tế. Đặc biệt, 2 ngành kinh tế chủ lực là công và thương nghiệp đã "đổi màu" khiến bức tranh kinh tế chung của tỉnh sáng lại. Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Vượt qua đại dịch đã là thành công, tăng tốc phát triển mạnh chính là thành công lớn. Xin ông cho biết, ngành Công thương Hậu Giang đã gặt hái thành công như thế nào trong những tháng đầu năm 2022?
Ông Huỳnh Thanh Phong: Thành công lớn thì chưa dám nói. Do Hậu Giang dịch bệnh được kiểm soát tốt, đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái bình thường, nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt từng bước tăng lên làm cho hoạt động thương mại dịch vụ trở nên sôi động và nhộn nhịp. Các hoạt động kinh doanh bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng và ăn uống đánh dấu bước hồi phục phát triển mạnh và có mức tăng trưởng khá cao tăng 2,76% so với tháng trước và tăng 31,49% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6/2022 tăng mạnh trở lại so với tháng trước và tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển bền vững trong thời gian qua là do sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký thêm được nhiều hợp đồng với một số thị trường mới như: Trung Quốc; Hong Kong (Trung Quốc); Philippines; Thái Lan và một số nước thành viên EU…, nên một số ngành có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 24,60%; sản xuất trang phục tăng 61,12%...
Ngoài ra, tăng một phần là do nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I mới đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức sau thời gian chạy thử, từ ngày 1 tháng 6 năm 2022. Vì vậy, đã làm giá trị sản xuất tháng này tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Phóng viên: Việc tăng mạnh các chỉ số công thương có phần đóng góp đáng kể của công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Đây cũng là công tác được tỉnh ưu tiên thực hiện từ trước đến nay. Năm nay, Hậu Giang đã và sẽ có những chương trình nào để xúc tiến thương mại và đầu tư, thưa ông?
Ông Huỳnh Thanh Phong: Về công tác khuyến công, chúng tôi đang kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện 2 đề án nhóm khuyến công quốc gia 2022 hỗ trợ cho 4 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Đến nay, đã có 2/4 đơn vị thụ hưởng ký kết hợp đồng đầu tư máy đó là Công ty TNHH TM - DV Hồng Loan và DNTN Nguýnh Đào.
Triển khai Quyết định 1049/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công địa phương năm 2022 đến các đơn vị thụ hưởng; Phòng kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện; UBND xã, phường, thị trấn. Hiện đã ký kết Hợp đồng triển khai thực hiện đề án KCĐP với các đơn vị thụ hưởng và hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng thủ tục đầu tư máy móc thiết bị theo Quyết định đã phê duyệt.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát các cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký chính sách khuyến công năm 2023 trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 với tổng kinh phí đăng ký dự kiến là 1,2 tỷ đồng.
Về công tác xúc tiến thương mại, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia gian hàng triển lãm tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch và xin chủ trương tham dự hội chợ "Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa Hàng Việt Nam khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022" dự kiến diễn ra từ ngày 22 - 26/6/2022 tại Cần Thơ.
Hiện Sở đang tích cực vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đăng ký tham gia các kỳ Hội chợ/Hội nghị trong và ngoài tỉnh như: khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và tỉnh Gia Lai; Festival Huế; tỉnh Lào Cai; khu vực phía Bắc - Nam Định; tỉnh Thái Nguyên; tỉnh Quảng Trị; Hội chợ Quốc tế tại Australia; khu vực Bắc Trung Bộ - Quảng Bình; tỉnh An Giang; khu vực phía Bắc - Nam Định.
Phóng viên: Được biết, trong thời gian tới, Hậu Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, là cơ hội để Hậu Giang mời gọi các dự án lớn, các nguồn vốn bên ngoài để phát triển kinh tế tỉnh nhà. Ông có thể chia sẻ thêm về việc này?
Ông Huỳnh Thanh Phong: Chúng tôi không chỉ phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 mà còn tổ chức nhiều chương trình khác như: Tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2022 trong khuôn khổ giải Marathon quốc tế "Mekong Delta Marathon" tỉnh Hậu Giang năm 2022; Tổ chức lớp Bồi dưỡng nâng cao kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2022; Tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang năm 2022; Tham gia Hội chợ "Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam khu vực đồng bằng Sông Cửu Long năm 2022; Chuẩn bị các công tác liên quan tổ chức Phiên chợ hàng việt về nông thôn tại huyện Châu Thành (thời gian dự kiến quý III/2022)…
Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp tục phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Vị Thanh và Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Châu Thành A cùng Viettel Hậu Giang và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện thí điểm mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt (ứng dụng Viettel Money) cho Ban quản lý chợ và các hộ tiểu thương tại chợ Bảy Ngàn, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A và chợ Vị Thanh, Phường 3, TP Vị Thanh; Hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2022 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV trên địa bàn tỉnh Hậu Giang theo ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, ban hành
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông cuộc trao đổi này!
Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)Năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đã phục hồi tích cực trên cơ sở gia tăng các đơn hàng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.