Hậu Giang: Đã thành lập 600 Tổ công nghệ số cộng đồng
Sáng 10/10, tại Hội trường UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp cùng Hội Tin học tỉnh tổ chức Hưởng ứng ngày chuyển đổi số 10/10, hội nghị trực tuyến kết nối với điểm cầu cấp huyện và cấp xã.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Ngày chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, sự tham gia của toàn dân, đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.
Đối với tỉnh Hậu Giang, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02 ngày 02/12/2020 về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25/2020 về thông qua Đề án "Xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025"; Nghị quyết về phụ cấp cho cán bộ chuyên trách CNTT; Nghị quyết ban hành chính sách giảm phí, lệ phí đối với các hồ sơ nộp trực tuyến cho một số thủ tục hành chính và UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch về xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số; phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh cho biết, toàn tỉnh đã thành lập được 600 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu vực trên địa bàn. Hiện nay, hầu hết CBCC và người dân Hậu Giang cũng đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: Sử dụng các nền tảng số, mạng xã hội, mua bán hàng qua mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin thêm về hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh hiện có: Trung tâm dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh IOC, Hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng SOC; dữ liệu dân cư tỉnh Hậu Giang.
Các nền tảng số cơ bản đã hoạt động hiệu quả như: Ứng dụng di động Hậu Giang, Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hệ thống họp trực tuyến, họp không giấy… Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử; đã có trên 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng các nền tảng công nghệ số để phục vụ quản trị, sản xuất và kinh doanh.
Đồng thời, tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023, đây là năm thứ 2 mà Hội Tin học TP.HCM phối hợp cùng tỉnh Hậu Giang tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Cạnh đó, đã thành lập Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang với khoảng 28,5ha, duy trì được thứ hạng 17/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh DTI. Các dự án, nhiệm vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực và các địa phương đã được thống nhất chủ trương đầu tư, như: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Du lịch, Lưu trữ, Đô thị, Môi trường, Dân tộc, Nông nghiệp, Thông tin và Truyền thông, tư pháp - hộ tịch…
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, nhất là tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến từ xa. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các giải pháp, cách làm hiệu quả để đạt tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến tối thiểu 30%.
Bà Hồ Thu Ánh lưu ý các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh cần tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để tạo thuận tiện, đơn giản nhất cho người dân và doanh nghiệp. Số hóa và và tái sử dụng thành phần hồ sơ thủ tục hành chính để người dân không cần phải nộp lại các giấy tờ cá nhân nhiều lần.
Văn Dương - Hồng ÂnBước sang tháng 9/2024, lãi vay mua nhà, mua đất và bất động sản tại một số ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng.