Hậu Giang: Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024
Sáng 01/11, tỉnh Hậu Giang long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hậu Giang lần thứ IV năm 2024 với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
Hậu Giang là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ. Tỉnh có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả, có nguồn thủy sản phong phú, chủ yếu tôm, cá nước ngọt và chăn nuôi gia súc. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố, 01 thị xã và 5 huyện được chia làm 51 xã, 13 phường và 11 thị trấn; 525 ấp, khu vực. Tỉnh (có 2 xã khu vực I, 2 xã khu vực III, có 6 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III). Dân số tỉnh là 728.293 người (200.901 hộ); trong đó, có 15 DTTS với 8.806 hộ, với 33.450 người chiếm 4,59% dân số của tỉnh.
Trên 4.534 căn nhà Đại đoàn kết được xây dựng mới và sửa chữa
Đồng bào các DTTS sống đan xen, đoàn kết, gắn bó và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách ASXH, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS được tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã xây dựng 135 mô hình về hỗ trợ vật tư, nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi thực hiện các mô hình nuôi thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… với kinh phí trên 59 tỷ đồng, cho 2.268 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia (có khoảng 150 hộ nghèo DTTS); đã tổ chức 9 lớp, với 495 người được đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng với kinh phí 901 triệu đồng.
Thực hiện dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như xây dựng được 19 công trình, nâng cấp, sửa chữa 12 hạng mục công trình với tổng kinh phí trên 24,2 tỷ đồng; phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 697 lượt hộ DTTS để trang trải học phí, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, với tổng số tiền 27,6 tỷ đồng; đã đào tạo nghề cho 1.805 lao động người DTTS...
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", tỉnh đã xây dựng và sửa chữa trên 4.534 căn nhà Đại đoàn kết với kinh phí trên 1.335 tỷ đồng. Tổ chức chương trình "Tết vì người nghèo" đã trao tặng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam 702.336 phần quà, tổng trị giá 274,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hậu Giang đã hỗ trợ trên 80,717 tỷ đồng cho doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh tế.
Giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào DTTS có nhiều tiến bộ, các chế độ chính sách được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Giai đoạn 2019-2023, đã hỗ trợ 38,475 tấn gạo cho 285 học sinh bán trú người DTTS; hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập cho 41.889 học sinh với số tiền 14,7 tỷ đồng; hỗ trợ 4.927 đối tượng thuộc chính sách nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn trên 41 tỷ đồng; ngoài ra, đầu tư nâng cấp 2 Trường PTDT nội trú giai đoạn 2019-2024, với tổng số tiền 8,6 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; thực hiện tốt việc cấp phát miễn phí thẻ BHYT cho đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay có 100% xã vùng đồng bào DTTS đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Trong 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ BHYT cho 6.000 lượt người DTTS sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT với kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Giai đoạn 2019-2024 di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy, Đề án "Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020" được phát huy, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được triển khai như Ok Om Bok, Sene Đôn ta, Lễ dâng y, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây; Tết Nguyên tiêu, Lễ vía Quan Công, Lễ vía bà Thiên Hậu của đồng bào dân tộc Hoa...
Đặc biệt, nhân dịp Tết của đồng bào dân tộc, tỉnh đã tổ chức họp mặt và thành lập đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà các gia đình người Khmer tiêu biểu và các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng; tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng, thu hút trên 1.000 lượt đại biểu tham dự, góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2019 - 2024 đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho người DTTS được 92 vụ việc, tổ chức 61 cuộc truyền thông cho hơn 2.349 lượt người tham dự và cấp phát 9.500 tờ gấp pháp luật; qua đó, đã đáp ứng tốt nhu cầu trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS tại các xã nghèo, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Toàn tỉnh có 69 người có uy tín, 5 năm qua đã hỗ trợ trên 1,2 tỷ đồng cho họp mặt biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết người có uy tín và gia đình có khó khăn, ốm đau theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Kinh tế - xã hội vùng DTTS có bước phát triển khá
Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội lần thứ III, KT-XH vùng DTTS tiếp tục ổn định, có bước phát triển khá. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 5,11% (năm 2019) giảm xuống còn 3,29% (cuối năm 2023); 100% số xã trong vùng DTTS có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; 100% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố 100%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100; tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 98% (vượt 14,19%); đặc biệt so với giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hậu Giang được Trung ương phê duyệt 49 ấp đặc biệt khó khăn, 32 xã thuộc ba khu vực vùng DTTS, đến giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 861/QĐ-TTg vùng DTTS của tỉnh đã giảm còn 2 xã khu vực III và giảm 43 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III. Năm 2019, có 1.615 hộ nghèo DTTS, có 660 hộ cận nghèo. Đến năm 2024 chỉ còn 948 hộ nghèo DTTS, có 504 hộ cận nghèo DTTS.
Trong giai đoạn 2019 - 2024 các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng theo các năm, điển hình như năm 2021, tăng 3,28% (đứng thứ 2 trong khu vực và thứ 39 cả nước); năm 2022, tăng 13,94% (đứng đầu vùng ĐBSCL và vươn lên thứ 4 cả nước); năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,27% (đứng thứ 2 cả nước), thu nhập bình quân đầu người là 80,33 triệu đồng.
Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS được tăng cường, hệ thống giao thông kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh; các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế... được tập trung đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội của người dân, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi diện mạo địa phương.
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm qua đạt 99.431 tỷ đồng, tăng bình quân 5%/năm. Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của nhân dân không ngừng nâng lên.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2022-2024 tỉnh Hậu Giang được phân bổ 110 tỷ đồng, tỉnh thực hiện 9/10 dự án và các tiểu dự án, đến ngày 16/9/2024, đã triển khai hỗ trợ 43 căn nhà ở (trong đó có 23 hộ DTTS), chuyển đổi nghề cho 41 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 768 hộ; xây dựng 3 công trình nước tập trung, hỗ trợ 36 hộ chăn nuôi bò, xây dựng 8 công trình đường GTNT, duy tu bảo dưỡng trên 3 công trình cơ sở hạ tầng, mở lớp đào tạo tiếng dân tộc, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề lao động... cấp phát hơn 10.000 tờ gấp pháp luật tại 4 xã thụ hưởng Chương trình vùng đồng bào DTTS…
Bộ mặt nông thôn ở các xã vùng DTTS có sự khởi sắc đi lên, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được hưởng thụ văn hóa, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe; kết cấu hạ tầng KT-XH được tăng cường; chất lượng nguồn nhân lực có mặt nâng lên; năng lực sản xuất nâng dần, hình thành mô hình làm ăn hiệu quả, bước đầu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của các hộ DTTS tiêu biểu.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà cho biết, qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội DTTS tỉnh Hậu Giang lần thứ III giai đoạn 2019 - 2024, KT-XH vùng DTTS của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,11% (năm 2019) xuống còn 3,29% (cuối năm 2023), đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, được quan tâm đầu tư xây dựng. Lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục, y tế và môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS được bảo tồn và phát triển; An ninh chính trị, TTATXH được giữ vững. Khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường...
Trong thời gian tới, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65- KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Phát huy vai trò của người có uy tín và mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; tiếp tục chăm lo công tác nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Chú trọng xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc…
Đặc biệt là hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" Tỉnh đã xây dựng và sửa chữa trên 4.534 căn nhà đại đoàn kết với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng, công tác chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS hằng năm vào dịp Tết luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện với tinh thần thiết thực, ý nghĩa…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của người có uy tín trong cộng đồng; tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của Nhân dân (nhất là vùng có đông đồng bào DTTS).
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đổi mới trong tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đẩy nhanh việc sử dụng số hóa trên tất cả các lĩnh vực; hỗ trợ kiến thức để chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên và xã hội của vùng đồng bào DTTS; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái…
Văn DươngĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.