Hậu Giang: Giữ vững mục tiêu GRDP bình quân 7 - 7,5% trong giai đoạn 2021 - 2025

Địa phương
03:41 PM 11/07/2023

Ngày 11/7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí 6 tháng đầu năm 2023.

 Kinh tế Hậu Giang liên tục tăng trưởng cao 

Thông tin về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế của tỉnh là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước, liên tục tăng trưởng cao hơn khu vực và cả nước, đánh dấu sự phát triển bứt phá nhất trong gần 20 năm thành lập tỉnh. 

Quang cảnh buổi giao ban báo chí 6 tháng đầu năm 2023.

Quang cảnh buổi giao ban báo chí 6 tháng đầu năm 2023.

Trong 18 chỉ tiêu chủ yếu (được cụ thể hóa thành 36 nội dung), mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, có 5 chỉ tiêu đạt và vượt (trong đó có 4 chỉ tiêu vượt); có 4 chỉ tiêu đạt hơn 80%; có 8 chỉ tiêu đạt hơn 50%; 1 chỉ tiêu đạt dưới 50%.

Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân của cả nước (cả nước tăng trưởng 2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh đứng thứ tư cả nước, tăng 5,92% so với bình quân cả nước (cả nước tăng trưởng 8,02%); 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế vươn lên đứng đầu cả nước đạt 14,21%. 

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023.

Hậu Giang xác định phát triển công nghiệp là động lực tăng trưởng, là hướng đi chính yếu của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, nhất là trong lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, bình quân 4,04%/năm. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được chuyển đổi, thích ứng với biến đổi khí hậu, với thị trường và phù hợp với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới có nhiều cố gắng, nửa nhiệm kỳ qua toàn tỉnh đã công nhận 6 xã nông thôn mới.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế

Kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ được quan tâm, đạt 2.937 triệu USD, tăng bình quân 11,28%/năm, đạt 50,19% chỉ tiêu Nghị quyết. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cao, vượt xa tiến độ Nghị quyết Đại hội đề ra, tính đến nay, tổng thu ngân sách nội địa được 11.167 tỷ đồng, tăng bình quân 20,4%/năm (tương đương giá trị tuyệt đối là trên 1.000 tỷ đồng/năm).

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cao, vượt xa tiến độ Nghị quyết Đại hội đề ra

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cao, vượt xa tiến độ Nghị quyết Đại hội đề ra

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nguồn vốn huy động tăng trưởng bình quân mỗi năm hơn 15%, đáp ứng ngày càng cao cho hoạt động tín dụng; dư nợ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 14,69%, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế, phục vụ sản xuất, kinh doanh; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, theo đúng chỉ tiêu đề ra.

Lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá, công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả trên các lĩnh vực. Các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước, năm 2022, tỉnh có 2/4 chỉ số nằm trong Top khu vực đồng bằng sông Cửu Long (PAR INDEX xếp thứ 2/13 tỉnh, thành; PCI xếp thứ 3/13 tỉnh, thành). 

3 nhiệm vụ đột phá chiến lược

Để giữ vững mục tiêu GRDP bình quân 7 - 7,5% trong giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang xác định 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược.

Đó là chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh.

Thứ hai là hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác. 

Các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước, năm 2022, tỉnh có 2/4 chỉ số nằm trong tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước, năm 2022, tỉnh có 2/4 chỉ số nằm trong tốp đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Nhiệm vụ tiếp theo là xây dựng Chiến lược phát triển và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Ông Đồng Văn Thanh cho rằng, thực hiện Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 03/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang đã triển khai công tác lập Quy hoạch rất bài bản, sâu sắc, toàn diện, khoa học và chất lượng, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển xuyên suốt trong Quy hoạch tỉnh là "Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm".

"Một tâm" là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. 

"Hai tuyến" là tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu. 

"Ba thành" là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị thành phố Vị Thanh, TP Ngã Bảy và TX Long Mỹ. 

"Bốn trụ" là phát triển 4 trụ cột gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch (theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo). 

"Năm trọng tâm" là hoàn thiện thể chế, chích sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Đến nay, Quy hoạch tỉnh đã thông qua Hội đồng thẩm định Trung ương, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn