Hậu Giang: Kinh tế địa phương vẫn tăng vững vàng trước thử thách mới
Hậu Giang - tỉnh thứ 13 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn nhiều khó khăn, thử thách nhưng đã nhanh chóng khẳng định vị thế "đi sau nhưng không chậm".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đã có chia sẻ tình hình kinh tế của tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2020.
Phóng viên: Vừa qua, dịch Covid-19 lại tái phát tại miền Trung, hiện giờ cả nước bước vào trạng thái "bình thường mới". Điều đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến việc sắp xếp và hoàn thành kế hoạch kinh tế của tỉnh. Xin ông cho biết, cụ thể tình hình kinh tế tỉnh nhà những tháng qua như thế nào?
Phó chủ tịch Trương Cảnh Tuyên: Về công tác chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh luôn giữ phong cách làm việc "hết việc chứ không hết giờ".
Đó cũng chính là tư thế chung "chủ động và quyết liệt" của cả tập thể lãnh đạo UBND tỉnh.
Nhờ vậy, 8 tháng qua, số cuộc họp đã giảm 52 cuộc; các loại văn bản, văn thư chỉ đạo điều hành cũng giảm 104 văn bản nhưng hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền và tình hình kinh tế-xã hội vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, từ lúa hè - thu, thủy sản nuôi, cây ăn trái, đàn gia cầm... đều tăng năng suất, sản lượng và có giá cả đầu ra tốt.
Một số chỉ tiêu về kinh tế tiếp tục có chuyển biến và phục hồi như: giá trị sản xuất công nghiệp tăng (tăng 3,66% so với tháng trước và tăng 19,81% so với cùng kỳ, riêng tháng 8 tăng 6,18% so với cùng kỳ); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng (tăng 4,94% so với tháng trước và tăng 18,39% so với cùng kỳ, riêng tháng 8 tăng 6,46% so với cùng kỳ); tình hình sản xuất công nghiệp có tăng trưởng trở lại và phát triển tương đối ổn định; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng (tăng 5,34 so với cùng kỳ, tăng 19,73% so với cùng kỳ, riêng tháng 8 tăng 9,49 so với cùng kỳ). Tình hình tài chính, ngân hàng ổn định, nợ xấu được kiểm soát tốt.
Phóng viên: Tháng 9 là thời điểm "bản lề" cho cả quý IV "nước rút" cuối năm sẽ được lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành như thế nào, thưa ông?
Phó Chủ tịch Trương Cảnh Tuyên: Tháng 9 này, UBND tỉnh yêu cầu các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Chương trình công tác, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của UBND tỉnh năm 2020 về kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng hệ thống chính quyền, quốc phòng - an ninh, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng - chống tham nhũng.
Tập trung chỉ đạo thu hoạch vụ lúa Hè Thu, sản xuất vụ lúa Thu Đông. Tăng cường kiểm tra, theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả các dịch hại trên cây trồng để có chỉ đạo phòng trị kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, theo dõi, hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản nhất là tập trung các giải pháp cho tiêu thụ hết sản lượng mía cho dân. Chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất rau màu và cây ăn quả.
Tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm nông sản có nhu cầu tham gia Đề án Quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông thủy sản. Theo dõi tiến độ thực hiện đề án khuyến công địa phương năm 2020: Đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất trà mãng cầu" và "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sơ chế và bảo quản chanh không hạt" từ nguồn kinh phí địa phương. Xây dựng Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang năm 2021 và Kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA).
Tăng cường công tác rà soát tiến độ triển khai dự án, pháp lý, việc thực hiện các thủ tục đối với các dự án đầu tư; đồng thời, báo cáo kịp thời và tham mưu đề xuất giải quyết các kiến nghị vượt thẩm quyền của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai xây dựng, đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đăng ký và sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Tập trung thực hiện các thủ tục về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Chương trình số 1734/CT-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2020 của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế, đẩy nhanh tiến độ sớm đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, nhất là các dự án ở khu, cụm công nghiệp, dự án nhà ở và các công trình trọng điểm đầu tư công.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2020, trong đó thực hiện nghiêm túc tiết kiệm chi thường xuyên. Hoàn chỉnh Quyết toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương năm 2019. Tiếp tục đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán nhà nước.
Tiếp tục tập trung thẩm tra và phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành, không để phát sinh tồn đọng quá hạn; tiếp tục đôn đốc các đơn vị lập hồ sơ trình quyết toán và tất toán tài khoản các dự án đã phê duyệt quyết toán.
Tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách năm 2021, Kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 theo ý kiến thẩm định của Bộ, ngành Trung ương.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.