Hậu Giang: Ngành Công thương thích ứng nhanh với trạng thái 'bình thường mới'
Ngành Công thương Hậu Giang liên tục gặt hái thành công sau đại dịch Covid-19. PV Tạp Chí DN&TT đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Huỳnh Thanh Phong khi cả nước bước vào giai đoạn "bình thường mới".
Phóng viên: Xin ông nói rõ thêm tình hình và giải pháp của ngành Công thương để có kết quả đáng phấn khởi vừa qua?
Giám đốc Huỳnh Thanh Phong: Ngay sau khi hoạt động trở lại với trạng thái "bình thường mới" nhưng không chủ quan, ngành Công Thương Hậu Giang đã hòa nhịp hiệu quả, nhờ vậy, đã có được kết quả khả quan.
Trong 8 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt tới 27.186,235 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 11,30% so cùng kỳ năm trước. Đây có thể coi như bước phát triển đột phá về công nghiệp; trong đó, công nghiệp chế biến với sản lượng của Công ty TNHH MTV Masan Brewery Hậu Giang với sản phẩm chính là bia Sư tử trắng - một sản phẩm còn mới mẻ nhưng đã tạo dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng chấp nhận nên sản lượng trong tháng tăng 172,74% so cùng kỳ.
Công nghiệp chế biến của tỉnh phát triển ổn định thời gian qua là do chính sách khuyến khích "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" của các doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, tổng giá trị xuất nhập khẩu 8 tháng qua cũng thực hiện được 651,112 triệu USD - một con số rất có ý nghĩa khi so với cùng kỳ năm trước (bằng 107,69% của năm 2019) và đạt 62,37% so kế hoạch cả năm. Nó càng có ý nghĩa hơn khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề ở khắp các thị trường xuất khẩu chủ yếu của chúng ta.
Có thể nói, ngoài tích cực thực hiện tốt sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công thương về hoạt động của ngành trong bối cảnh có đại dịch, Sở còn chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan thành lập đoàn kiểm tra tình hình cung cầu hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, khẩu trang, lương thực, thực phẩm... tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo.
Bởi, nền kinh tế nói chung và ngành "làm dâu trăm họ" như hoạt động công thương chúng tôi thì giữ được ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường luôn là những vấn đề lớn, quan trọng.
Phóng viên: Vừa qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - vừa mở ra với kinh tế nước ta, trong đó liên quan trực tiếp tới ngành Công thương, là người đứng đầu ngành tại địa phương, ông có ý kiến gì?
Giám đốc Huỳnh Thanh Phong: Đây đúng là cơ hội thuận lợi rất lớn cho nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai kịp thời đến các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực thi các cam kết của EVFTA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đánh giá khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng có ưu thế của tỉnh Hậu Giang để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid -19, đặc biệt lưu ý tận dụng hiệu quả ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Song song đó còn chủ động làm việc, liên hệ với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, Cục Thống kê tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, các Công ty, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh để đánh giá nhu cầu nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể ở các nước, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng, tỷ trọng…., những khó khăn, vướng mắc của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp với UBND tỉnh, các Bộ, ngành có liên quan để tháo gở khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này, chúc "con tàu Công thương" Hậu Giang sớm bắt nhịp và hòa nhập hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hồng ÂnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.