Hậu Giang: Những đổi thay ở vùng dân tộc thiểu số

Địa phương
03:30 PM 03/10/2024

Hậu Giang có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần thay đổi diện mạo vùng DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống đồng bào không ngừng cải thiện, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo từng năm

Theo Ban Dân tộc tỉnh, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chiếm 4,16% dân số toàn tỉnh; trong đó dân tộc Khmer 24.103 người, chiếm tỷ lệ 3,3% dân số toàn tỉnh; tiếp đến là dân tộc Hoa, Chăm và các dân tộc khác. Đồng bào DTTS của tỉnh đa số là làm nông nghiệp, phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện KT-XH khó khăn.

Hậu Giang: Những đổi thay ở vùng dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Những đổi thay ở vùng DTTS của huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo phum sóc, đời sống của đồng bào DTTS ở tỉnh Hậu Giang được nâng lên rõ rệt. Trong đó, kết quả giảm nghèo ở vùng DTTS và giảm hộ nghèo là người DTTS được đánh giá là một dấu ấn trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Hậu Giang.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hoàng Triệu cho biết, với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vùng DTTS của tỉnh tiếp tục chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với các chính sách do ngành công tác dân tộc quản lý thì tỉnh đã lồng ghép, vận dụng hiệu quả các chính sách triển khai ở vùng DTTS, cho đồng bào DTTS. 

Nhờ đó, hộ nghèo là người DTTS của tỉnh giảm mạnh, từ 32,15% năm 2016 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn 13,24% cuối năm 2022 (chuẩn nghèo đa chiều). Hết năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 6.611 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,29% tổng số hộ. Trong đó, hộ nghèo DTTS là 1.075 hộ, chiếm 11,46% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 13,13% tổng số hộ đồng bào DTTS, giảm 2,88% so với năm 2021.

Ông Nguyễn Hoàng Triệu cho biết thêm, năm 2024, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 2-3%; 95% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 10,45%… 

Những chương trình, chính sách dân tộc đầu tư, hỗ trợ đã giúp các hộ DTTS ở Hậu Giang giải quyết những nhu cầu bức thiết trong đời sống, có điều kiện phát triển sản xuất, từ đó tăng thu nhập. Trong đó, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đạt 15 triệu đồng/người/năm; đến hết năm 2023 đã tăng lên 30 triệu đồng/người/năm, gần bằng 1/2 thu nhập bình quân đầu người/năm của tỉnh.

Sức sống mới ở vùng DTTS

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang có 4 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó có 2 xã khu vực III (Lương Nghĩa và Xà Phiên), huyện Long Mỹ; 2 xã khu vực I (Hỏa Lựu, Vị Tân), TP Vị Thanh. Bên cạnh dấu ấn trong giảm nghèo thì hiệu quả của các chương trình, chính sách dân tộc ở vùng DTTS tỉnh Hậu Giang thể hiện rõ nét nhất ở diện mạo đô thị những xã khu vực III của huyện Long Mỹ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Long Mỹ Đặng Hoàng Vũ cho rằng, triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS của huyện. 

Riêng Chương trình MTQG 1719, huyện đã triển khai các dự án hỗ trợ với tổng kinh phí 56 tỷ đồng. Giai đoạn 2024 - 2029, huyện Long Mỹ sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Các chương trình, chính sách dân tộc đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ DTTS trên địa bàn huyện Long Mỹ vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Như gia đình ông Lý Ni, ở ấp 5, xã Xà Phiên, trước đây là hộ nghèo, thu nhập của gia đình phụ thuộc vào nghề phụ hồ của ông. Được vay 30 triệu đồng từ tín dụng ưu đãi, ông đầu tư nuôi heo nái và lươn. Trong 3 năm gần đây, từ nuôi heo, lươn và làm thợ hồ, trừ hết các chi phí, gia đình ông cũng thu về trên 200 triệu đồng/năm.

Hậu Giang: Những đổi thay ở vùng dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Đời sống của đồng bào các DTTS không ngừng được nâng lên.

Số hộ DTTS như gia đình ông Lý Ni ngày càng xuất hiện nhiều ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hậu Giang, với "cú hích" từ Chương trình MTQG 1719. Báo cáo số 93/BC-BDT ngày 30/9/2024 của Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang cho thấy, tổng kế hoạch vốn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh được giao là 122.078 triệu đồng. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Hậu Giang đã và đang hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn I của Chương trình MTQG 1719.

Tính đến tháng 7/2024, Hậu Giang đã có 15/24 mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình MTQG 1719 đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch; còn lại 9/24 mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu chủ yếu, tỉnh sẽ nỗ lực để "về đích" trong năm 2025. 

Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang đánh giá, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần phát triển KT-XH ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS của tỉnh. Trong quá trình triển khai, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát huy nguồn lực của người dân, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS của tỉnh.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang khẳng định, với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS; trình độ dân trí được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng; đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng.

Sự thay đổi tích cực ở vùng đồng bào DTTS Hậu Giang ngày nay là minh chứng cho sự quan tâm chăm lo, cùng tính đúng đắn các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Đây cũng là động lực giúp đồng bào toàn tỉnh Hậu Giang nói chung, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng thi đua lao động sản xuất, phát triển KT-XH, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn