Hậu Giang: Ổn định thị trường - nhiệm vụ hàng đầu thời chống dịch Covid-19
Hơn 2 tháng qua, cùng với sự sục sôi của chuyện chống dịch Covid-19, cơ quan Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hậu Giang đã không ngừng nghỉ có mặt trên tuyến đầu.
Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có cuộc gặp gỡ với ông Phan Văn Chính, quyền Cục trưởng Cục QLTT Hậu Giang để hiểu rõ phần nào về việc ổn định thị trường trong thời điểm quyết liệt này.
Ông Phan Văn Chính, quyền Cục trưởng Cục QLTT Hậu Giang.
Phóng viên: Có một không khí rất khác kể từ khi lệnh đóng cửa hàng quán và dịch vụ vui chơi giải trí được thực thi. Cảm nhận của ông về thị trường những ngày qua như thế nào?
Ông Phan Văn Chính: Việc “nghỉ giải lao” của hàng quán, dịch vụ giải trí không có nghĩa thị trường ngưng hoạt động! Dòng chảy của thị trường hàng hóa vẫn sôi động bằng nhiều hình thức khác, đặc biệt là buôn bán online. Điều đó có nghĩa người làm công tác QLTT vẫn làm việc, thậm chí làm việc còn nhiều hơn để kịp thời nắm bắt và xử lý những “biến tướng” của thị trường. Cho nên, đối với chúng tôi việc giữ ổn định cho thị trường hiện nay là đại sự hàng đầu.
Phóng viên: Với mục tiêu cùng chung tay chống dịch Covid-19, lực lượng QLTT thời gian qua đã triển khai công tác thế nào, thưa ông?
Ông Phan Văn Chính: QLTT đã triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Cụ thể, QLTT đã tăng cường phòng chống dịch Covid-19 thông qua báo cáo nhanh hằng ngày; Thành lập Tổ Thường trực phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức rà soát, nắm bắt đối với các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế dùng trong việc phòng dịch để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để thu gom hàng, găm hàng hoặc định giá bán bất hợp lý; kịp thời phát hiện, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã công bố đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường tỉnh và tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý địa bàn; chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP và các hành vi gian lận thương mại khác, đặc biệt là kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
QLTT cũng chủ động phối hợp với cơ quan báo, đài tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động thương mại; khuyến cáo người tiêu dùng cần lựa chọn và sử dụng sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, chủ động trong việc tố giác các hành vi vi phạm với các cơ quan chức năng, thực hiện xã hội hóa công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng.
Phóng viên: Vậy kết quả ra sao, thưa ông?
Ông Phan Văn Chính: Về công tác phòng chống dịch nCoV, lực lượng QLTT tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình các tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế, tổ chức kiểm tra 10 vụ; phát hiện vi phạm 07 vụ, xử lý VPHC 06 vụ (vi phạm về hành vi vi phạm là không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (khẩu trang y tế); tổng tiền phạt VPHC là 5.050.000 đồng; tịch thu, tiêu hủy 632 khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tồn đang xử lý 01 vụ; tạm giữ 22 khẩu trang y tế, 70 khẩu trang vải.
Qua 2 đợt điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu giảm mạnh. Mặc dù ở Hậu Giang không khan hiếm xăng dầu gây nên hỗn loạn như các nơi khác nhưng chúng tôi vẫn nghiêm ngặt kiểm soát mặt hàng này. Cụ thể, Đội QLTT số 1 (Đội Cơ động) kiểm tra hàng hóa là xăng dầu vận chuyển trên phương tiện xe ô tô bồn BKS: 94C-050.45 đang dừng bên đường Quốc lộ 61C ấp 12 xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang có dấu hiệu vi phạm do ông Đặng Văn Bỉ Em, sinh năm 1990, thường trú tại ấp Lộ Xe, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu điều khiển phương tiện và là chủ hàng hóa. Kết quả ghi nhận, qua công tác kiểm tra, xác minh, làm việc xét thấy ông Đặng Văn Bỉ Em có hành vi vi phạm hành chính kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa vi phạm là 118.320.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 1 chuyển hồ sơ về Cục QLTT tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt VPHC là 70.000.000 đồng, phạt bổ sung: tịch thu tang vật là 6.000 lít xăng E5 RON92.
Vừa qua, QLTT cũng tham mưu xử lý một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo Quyết định số 16/QĐ-BCĐ ngày 15/7/2019 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hậu Giang, có hành vi vi phạm về phép đo trong mua, bán hàng hóa mà lượng của hàng hóa có sai lệch quá phạm vi sai số cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất hợp pháp, số tiền thu lợi bất hợp pháp có được lên đến 10.000.000 đồng; phạt tiền VPHC 7.500.000 đồng; biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp 3.691.417 đồng. Tổng số tiền nộp phạt là 11.191.417 đồng.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông./.
Thanh Thảo (thực hiện)
Ngày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".