Hậu Giang: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực

Sự kiện
11:17 AM 13/10/2020

Sáng 13/10, tại TP Vị Thanh, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã long trọng khai mạc và bắt đầu bước vào buổi làm việc đầu tiên với sự tham dự của 349 đại biểu chính thức, thay mặt cho hơn 33 ngàn đảng viên của 11 đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ về dự Đại hội.

Hậu Giang: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực

Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lê Tiến Châu - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Hậu Giang cho biết, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Sau một thời gian tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, đến ngày 18/6/2020, Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở đã thành công tốt đẹp và đến ngày 29/7/2020, tất cả 11/11 Đảng bộ cấp trên cơ sở cũng đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, sớm hơn gần 01 tháng so với quy định của Trung ương.

Hậu Giang: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực - Ảnh 1.

Quang cảnh Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV có chủ đề "Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá". 

Với phương châm "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển", Đại hội có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 -2020; xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 -2025; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; thảo luận Văn kiện Trung ương, bầu đoàn Đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng và đề ra những chủ trương, giải pháp, nhiệm vụ đột phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá.

Hậu Giang: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực - Ảnh 2.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển".

Hậu Giang: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực - Ảnh 3.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Hậu Giang phát biểu khai mạc Đại hội.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 1.000 triệu USD

Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân Hậu Giang đạt 6,3%/năm. Quy mô kinh tế tăng gần 1,5 lần, đạt 36.438 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt 49,96 triệu đồng/người/năm.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,87%/năm, trong đó, ngành công nghiệp chế biến giữ vai trò trụ cột, đúng định hướng, cơ cấu GRDP ngành công nghiệp đã tăng năm 2020 đạt 24,9% (năm 2015 19,4%). 

Toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất là 1.183 ha, có 355 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 127.623 tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 553 triệu USD; Công tác phát triển doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm, 5 năm toàn tỉnh có thêm 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, bình quân quy mô một doanh nghiệp khoảng 5 tỷ đồng. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, hiện toàn tỉnh có 32/51 xã, 3 huyện đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt trên 41 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so với năm 2015.

Thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, nhất là mạng lưới các trung tâm mua sắm, dịch vụ vận chuyển, logistics,...; ngoài ra, thực hiện tốt các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối cung cầu, đặc biệt đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 với chủ đề: "Hậu Giang - tiềm năng đầu tư và phát triển". 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 7,64%/năm. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.044 triệu USD (5 năm đạt 4.879 triệu USD). Riêng năm 2017, 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đều vượt 1.000 triệu USD.

Trên 1.088 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn

Trong giai đoạn 2015-2020, Hậu Giang đã triển khai đầu tư Đường nối TP Vị Thanh với TP Cần Thơ; đường tỉnh 931 (đoạn từ cầu Xẻo Vẹt đến đường Vị Thanh - Cần Thơ); đường tỉnh 927C (đoạn từ Quốc lộ 1 đến Nam Sông Hậu)… Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 90.000 tỷ đồng. 

Tỷ lệ đô thị hóa đạt 26,7%, có 19 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III và 16 đô thị loại V). Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,6%. Thu ngân sách đạt 42.999 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 14.942 tỷ đồng.

Du lịch là một trong những nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ, theo đó các Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, vùng du lịch cộng đồng Khóm Cầu Đúc, di tích Chiến thắng Chương Thiện, Đền thờ Bác Hồ, khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, công viên giải trí Đại học Võ Trường Toản, Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, tuyến kênh xáng Xà No,... thu hút 182.210 lượt khách năm 2015, doanh thu 41 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2020, thu hút 500.000 lượt khách, doanh thu đạt 201 tỷ đồng. 

Hậu Giang: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực - Ảnh 4.

Một góc đô thị Hậu Giang đang ngày phát triển.

Toàn tỉnh có 57.313 mô hình, 144 tổ hợp tác kinh tế, qua đó, đã giúp đỡ cho 7.665 đoàn viên, hội viên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,1%. 5 năm đã giải quyết việc làm cho 90.632 lao động, trong đó 460 lao động đi làm có thời hạn ở nước ngoài; đào tạo nghề cho 38.488 lao động. 

Qua 5 năm đã vận động "Quỹ vì người nghèo", Chương trình "An sinh xã hội" trên 1.088 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều chuyển biến, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 95,1%; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là 90,21%.

Hậu Giang: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực - Ảnh 5.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Hậu Giang thay mặt Đoàn Chủ tịch trao tặng học bổng "Thắp sáng ước mơ" trị giá 100 triệu đồng cho Ban Thường vụ tỉnh đoàn Hậu Giang.

Giai đoạn 2015-2020 đã vận động xây dựng, sửa chữa 448 căn nhà tình nghĩa, tổng kinh phí gần 19,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 5.612 căn nhà cho người có công với tổng kinh phí 174,14 tỷ đồng. 

Nghiệm thu, làm sạch số liệu và nhập tin từ 18.729 phiếu điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ vào phần mềm quản lý do Cục Người có công xây dựng và cung cấp. Lấy 2.762 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ gửi vào ngân hàng gen Trung ương phục vụ công tác giám định ADN. 

Hoàn thành giai đoạn I và II Đề án số hóa 16.335 hồ sơ người có công với cách mạng. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, củng cố, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc và xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" ngày càng rộng khắp, hiệu quả.

3 khâu đột phá, 18 nhóm chỉ tiêu chính cho nhiệm kỳ 2020-2025

Hậu Giang xác định 5 năm tới sẽ phấn đấu đưa nền kinh tế phát triển khá trong khu vực. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hậu Giang xác định là Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, xác định 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ là xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương trong khu vực. 

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp. Tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp. 

Hậu Giang: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực - Ảnh 6.

Hậu Giang xây dựng một nền nông nghiệp xanh.

Thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của Tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Hậu Giang đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu quyết tâm thực hiện là kết nạp mới từ 2.000 - 2.500 đảng viên; Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. 

Phấn đấu đến năm 2025, số hộ có đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội đạt 82% và số tổ chức cơ sở của các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh hàng năm đạt trên 85%. Điểm số chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (VIET NAM ICT INDEX) năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu hàng năm, chỉ số PAR INDEX trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu.

Hậu Giang: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực - Ảnh 7.

Đô thị Vị Thanh ngày một phát triển vươn tầm trong khu vực.

Đến năm 2025, chỉ số VIET NAM ICT INDEX trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm. GRDP bình quân đầu người là 77 - 80 triệu đồng. 

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II và III, đến năm 2025 khu vực I còn dưới 22%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn (5 năm) theo giá thực tế từ 99.000 - 100.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp được thành lập mới có hoạt động và kê khai thuế (5 năm) là 1.000 doanh nghiệp. Tổng thu ngân sách nhà nước (5 năm) từ 44.000 - 45.000 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa là 17.800 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ (5 năm) đạt 4.330 triệu USD. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt từ 70%. Số lao động được tạo việc làm trong 5 năm là 75.000 lao động. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 85% tổng số trường, số sinh viên trên 10.000 người dân là 225 sinh viên. 

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 11%; số bác sĩ trên 10.000 dân là 10; số giường bệnh trên 10.000 dân là 36. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95%. Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt trên 80% tổng số xã; công nhận thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ dân số ở thành thị sử dụng nước sạch 100%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch 85% và Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đạt 100% chỉ tiêu trên giao; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng đạt 100% kế hoạch. 

Đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; kiềm chế số vụ phạm tội về trật tự xã hội và tai nạn giao thông.

Nguyễn Khôi - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.