Hậu Giang: Phát triển đô thị phải đặt yêu cầu giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội lên hàng đầu
“Tôi thẳng thắn nhìn nhận, tuy số lượng các đô thị đến nay đã cơ bản đảm bảo nhưng chất lượng, quy mô và tính liên kết của các đô thị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng và chưa tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực KT-XH của tỉnh.”
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu trong Hội nghị “Hậu Giang mở mang đô thị” ngày 20/5/2020. Và ông cũng dành cho Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị những chia sẻ tâm huyết xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Tiến Châu – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Phóng viên:“ Hậu Giang mở mang đô thị” là hội thảo tiếp nối chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018, Hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh”, Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”, nhằm thúc đẩy xây dựng một Hậu Giang với những đô thị xanh, mang đặc sắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xin chúc mừng sự thành công tốt đẹp của hội nghị! Vậy, trong hội nghị này ông có thể chia sẻ những điều tâm đắc gì cho nhà đầu tư?
Ông Lê Tiến Châu: Qua hội thảo, những trải nghiệm và thông tin quý báu được chia sẻ rất nhiệt thành và đầy trách nhiệm từ các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý. Đặc biệt là đánh giá tổng quan về công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, phát triển đô thị, các dự án phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; cơ hội đầu tư bất động sản, đô thị của doanh nghiệp tại tỉnh; về các chính sách tín dụng giúp Hậu Giang phát triển đô thị
Tôi ủng hộ và đánh giá cao tham luận của đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh về đề xuất triển khai các các dự án đô thị sinh thái, đa chức năng, kết hợp khu du lịch, sân golf, các dự án phát triển bất động sản công nghiệp. Đây đều là những dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu của ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Cát Tường về những bước đi, giải pháp mang tầm cỡ chiến lược để tỉnh Hậu Giang có thể tham gia sâu hơn nữa, nhằm đón đầu và hưởng lợi ích từ xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất từ các nước về Việt Nam. Điều này thể hiện tư duy, tầm cỡ của nhà đầu tư và nhất là sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của Công ty đối với sự phát triển của tỉnh Hậu Giang.
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu trong Hội nghị “Hậu Giang mở mang đô thị” ngày 20/5/2020
Ngoài ra, tỉnh cũng ghi nhận, đánh giá tích cực của đại diện các doanh nghiệp về tinh thần cầu thị, thái độ thân thiện và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền tỉnh đối các NĐT trong triển khai các Dự án trên địa bàn là minh chứng cho thấy nỗ lực của tỉnh Hậu Giang về xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, luôn hành động và đồng hành cùng người dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà đã bước đầu mang lại kết quả.
Tôi cũng xin thông tin thêm, năm 2019 cả 4 chỉ số của tỉnh Hậu Giang về công tác cải cách hành chính đều có sự cải thiện tích cực so với năm 2018 (Chỉ số PAPI tăng 39 bậc (từ 58 lên 19); Chỉ số PCI tăng 2 bậc (từ 44 lên 42); Chỉ số SIPAS tăng 8 bậc (từ 18 lên 10); Chỉ số PAR INDEX tăng 4 bậc (từ 35 lên 31).
Phóng viên: Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển đô thị còn hạn chế, chủ trương của lãnh đạo tỉnh là tận dụng tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên đất để đẩy mạnh phát triển các đô thị thông qua thu hút đầu tư. Theo ông, chủ trương này được triển khai như thế nào?
Ông Lê Tiến Châu: Phát triển đô thị là yêu cầu tất yếu, thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản là chủ trương đúng đắn, quan điểm của lãnh đạo tỉnh trong phát triển đô thị là:
Phát triển đô thị phải lấy con người làm trung tâm, nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị con người, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm và chăm lo sức khoẻ cho người dân.
Phát triển đô thị phải thật sự bền vững, thích ứng với tự nhiên: Phát triển đô thị phải cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị và năng lực quản lý nhà nước; không phát triển ồ ạt vượt quá nhu cầu thực tiễn, gây ra lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới dư địa phát triển của các thế hệ mai sau. Cùng với đó, xây dựng và phát triển đô thị phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đô thị của tỉnh Hậu Giang phải mang đặc sắc của Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gắn kết giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, đặc thù tự nhiên đất đai, sông nước, khí hậu và thói quen sinh hoạt của người dân, mục tiêu là hướng đến xây dựng một mô hình đô thị kiểu mới kết hợp phát triển dịch vụ du lịch và các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tuần hoàn, bền vững.
Một góc nhìn kênh xáng Xà No, TP Vị thanh ngày càng phát triển.
Phóng viên: Trong việc quy hoạch và phát triển đô thị, vấn đề quy hoạch sử dụng đất và xây dựng giữ vai trò trọng yếu. Trong khuôn khổ hội nghị “Mở mang đô thị” này, ông có “dặn dò” gì với 2 cơ quan liên quan trực tiếp là Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường của tỉnh?
Ông Lê Tiến Châu: Đối với Sở Xây dựng, cần nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật để thu hút, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị.
Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhưng phải đặt yêu cầu giải quyết nhà ở cho nhân dân lên hàng đầu, không để xảy ra tình trạng giá nhà vượt quá cao so với mức thu nhập của người dân; đồng thời, quản lý chặt chẽ các dự án phát triển nhà ở, đô thị mới để chấn chỉnh không xảy ra tình trạng huy động vốn, góp vốn trái pháp luật;
Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát phát triển mở rộng đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, không để xảy ra tình trạng đầu tư tự phát, phong trào dẫn đến lãng phí, thất thoát các nguồn lực xã hội,... Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 50 ngày 24/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu xây dựng quy định riêng của tỉnh về quy hoạch, xây dựng, phát triển các khu đô thị trên địa bàn đảm bảo tính xanh, bền vững, đáng sống và thích ứng với tự nhiên, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh, định hướng phát triển của tỉnh.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, phải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các sở ngành và địa phương rà soát, cập nhật quy hoạch đất kỳ 2021-2020 phù hợp với tiến trình phát triển đô thị; rà soát quỹ đất công để tổ chức đấu giá có điều kiện để triển khai các dự án phát triển đô thị về lĩnh vực TMDV nhằm thúc đẩy phát triển KT - XH tại địa phương, đồng thời chỉ đạo TTPTQĐ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các dự án sớm khởi công và hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.
Hồng Ân ( thực hiện)
Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.